Châu Âu tìm cách bủa vây dầu Nga

Việc Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vận chuyển bằng đường biển là biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có của khối đối với Moskva nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nhưng một phần nhỏ hơn của gói trừng phạt mới nhất này thậm chí còn tạo ra tác động mạnh mẽ hơn. Lệnh cấm bảo hiểm đối với các tàu chở nhiên liệu của Nga sẽ khiến Moskva khó chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày sang những khách hàng khác ở Ấn Độ và Trung Quốc.

“Nhắm mục tiêu vào hoạt động bảo hiểm là cách hữu hiệu nhất để ngăn dòng chảy dầu thô của Nga, thay vì chỉ chuyển hướng chúng đến nơi khác”, Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của công ty nghiên cứu thị trường Kpler, nhận xét.

Một tàu chở dầu mang cờ Nga xuất hiện gần căn cứ hải quân Tripoli hồi tháng 9/2015. Ảnh: Reuters.

Một tàu chở dầu treo cờ Nga xuất hiện gần căn cứ hải quân Tripoli hồi tháng 9/2015. Ảnh: Reuters.

EU đã thông báo rằng sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 6 tháng, các công ty của khối sẽ không được phép “cung cấp dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ tài chính cho hoạt động vận chuyển” dầu Nga sang bên thứ ba.

“Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho Nga nếu họ muốn tiếp tục xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác tới phần còn lại của thế giới, vì các công ty EU là bên quan trọng cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính như vậy”, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong một thông báo.

Anh dự kiến cũng tham gia nỗ lực này cùng EU, điều sẽ tăng cường tác động của lệnh trừng phạt, do Anh suốt nhiều thế kỷ qua luôn giữ vị trí trung tâm trong thị trường bảo hiểm hàng hải.

Đến nay, Nga vẫn có thể bù đắp tình trạng sụt giảm xuất khẩu sang thị trường châu Âu bằng cách bán dầu cho các khách hàng ở những nơi khác với mức chiết khấu cao. Nhưng nếu các con tàu không nhận được bảo hiểm cần thiết để giao hàng, vấn đề của Nga sẽ trở nên lớn hơn rất nhiều trong thời gian tới, giới chuyên gia đánh giá.

“Những biện pháp hạn chế dịch vụ bảo hiểm với tàu Nga là lý do chính khiến chúng tôi tin rằng Nga khó lòng chuyển hướng tất cả số dầu của họ từ châu Âu sang nơi khác, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ”, Shin Kim, trưởng bộ phận phân tích chuỗi cung ứng và sản xuất tại S&P Global Commodity Insights, nhận định. “Lệnh cấm sẽ làm phức tạp hơn nỗ lực vận chuyển dầu của Nga cả về chính trị lẫn kinh tế”.

Trước khi EU áp lệnh cấm dầu Nga, nhiều khách hàng châu Âu đã ngừng hợp tác với các đối tác Nga để tránh gặp khó khăn về hậu cần cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh.

Dữ liệu của Kpler cho thấy xuất khẩu dầu từ Nga sang khu vực Tây Bắc Âu đã giảm từ 1,08 triệu thùng/ngày hồi tháng một xuống còn dưới 325.000 thùng/ngày vào tháng 5. Áp lực trừng phạt từ phương Tây buộc Nga phải cắt giảm sản lượng, có thể giảm tới 17% trong năm nay, theo ước tính được Bộ Kinh tế Nga công bố hồi tháng 4.

Nhưng việc Nga tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á đã giúp bù đắp phần lớn những thiệt hại đó. Theo Kpler, Trung Quốc và Ấn Độ mỗi ngày nhập khẩu khoảng 938.700 thùng dầu giá rẻ từ Nga trong tháng 5. Hồi tháng một, hai quốc gia này nhập 170.800 thùng dầu thô Nga mỗi ngày.

“Ba tháng sau khi xung đột bùng phát, xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn tiếp tục tăng vọt”, Smith nói. “Moskva chỉ đang chuyển hướng dòng dầu và tìm kiếm những điểm đến mới”.

Lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với tàu vận chuyển dầu thô Nga được EU đưa ra nhằm bịt “lỗ hổng” này. Nếu Anh hợp tác với lệnh cấm bảo hiểm của EU, Ấn Độ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nhập dầu Nga. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc, nơi nhu cầu về nhiên liệu dự kiến tăng mạnh khi các hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

“Các tàu không có bảo hiểm sẽ không được phép vào bất kỳ cảng chính nào hoặc đi qua những tuyến hàng hải trọng yếu như eo biển Bosphorus hay kênh đào Suez”, Sergei Vakulenko, nhà phân tích năng lượng đến từ Đức, cho hay.

Các tổ chức tài chính trên thế giới sẽ không dám mạo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga sau lệnh cấm của EU, do lo ngại hứng chịu hậu quả lớn hơn từ cơ quan quản lý, theo Richard Bronze, trưởng bộ phận địa chính trị tại công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, trụ sở ở London.

Phản ứng trước lệnh cấm của EU, Nga tuyên bố sẽ đối phó bằng cách cung cấp biện pháp đảm bảo nhà nước cho tàu chở dầu. Về lý thuyết, biện pháp đảm bảo này có thể được sử dụng thay cho bảo hiểm truyền thống.

“Vấn đề có thể giải quyết được”, Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trên Telegram. “Bảo hiểm vận chuyển hàng hóa có thể được thực hiện thông qua bảo đảm của nhà nước trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế với bên thứ ba. Nga luôn là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy, và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai”.

Điều đó có nghĩa các lô dầu xuất khẩu của Nga có thể sẽ không bị ngăn chặn hoàn toàn. “Lệnh cấm bảo hiểm của EU có thể gây nhiều xáo trộn, nhưng sẽ không thể phong tỏa hoàn toàn các lô dầu xuất khẩu của Nga”, chuyên gia Bronze nói.

Nhưng không phải ai cũng tin đây là giải pháp giúp Nga phá vỡ thế kiềm tỏa của EU. “Sẽ có rất nhiều hoài nghi. Tôi nghĩ lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ thu hẹp đáng kể số khách hàng sẵn sàng mua dầu Nga”, Bronze nói.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt dầu Nga của EU có thể hạn chế nguồn tài chính với Moskva, nhưng cũng sẽ khiến giá năng lượng toàn cầu tăng cao hơn nữa, trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang cố gắng kiềm chế lạm phát.

“Nga sẽ mất rất nhiều doanh thu, nhưng châu Âu và Mỹ cũng chịu ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới tăng cao”, Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tuần trước viết.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

  • Khủng hoảng dầu mỏ thúc đẩy Mỹ làm hòa với Arab Saudi
  • Chướng ngại khiến Đức khó đoạn tuyệt dầu Nga
  • Lệnh cấm dầu của EU khó giáng đòn vào Nga
  • Nga dần hết lựa chọn bán dầu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*