Chủ tịch Hạ viện Nga: Phương Tây cạn chiêu kiềm chế Moskva

“Liên minh châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga. Sau khi xem xét gói trừng phạt lần này cũng như những lần trước của Brussels và Washington, chúng tôi kết luận họ đã cạn kho vũ khí kìm hãm Nga phát triển”, Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (hạ viện Nga), bày tỏ quan điểm trên Telegram ngày 4/6.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh:TASS.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh:TASS.

Ông Volodin nhận định “khi bàn luận về biện pháp trừng phạt mới, chính trị gia phương Tây buộc phải lựa chọn giữa kịch bản tệ và rất tệ đối với nền kinh tế và công dân nước mình”.

Nhà lập pháp cho hay Nga có thể thiệt hại lên đến 22 tỷ USD mỗi năm vì lệnh cấm dầu của châu Âu nhưng “do giá năng lượng tăng vì lệnh trừng phạt và Nga chuyển hướng bán dầu sang thị trường châu Á, thiệt hại này có thể bù đắp hoàn toàn, thậm chí Nga còn “có lợi”.

Volodin cho hay do giá nhiên liệu cao kỷ lục, châu Âu “sẽ phải trả thêm hơn 250 tỷ euro mỗi năm”, chưa bao gồm chi phí phát sinh do nâng cấp hệ thống lọc dầu.

“Washington đang làm mọi việc để khiến gánh nặng tài chính của lệnh trừng phạt đổ lên các nước châu Âu”, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga nói. “Mỹ đang cố tình làm suy yếu nền kinh tế của các nước EU, khiến những quốc gia này thậm chí còn phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn”.

“Bằng cách vượt qua mọi lệnh trừng phạt, Nga sẽ mạnh mẽ hơn”, ông kết luận.

Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ các nước phương Tây. RT cho biết Nga chịu khoảng 10.000 hạn chế, khiến nước này thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Mỹ cùng các đồng minh đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.

EU hôm 3/6 thông qua gói trừng phạt thứ sáu để cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga tới EU vào cuối năm nay. EU năm 2021 nhập khẩu khoảng 51,5 tỷ USD dầu thô Nga và 24,7 tỷ USD sản phẩm dầu tinh chế từ nước này.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 2/6 ra tuyên bố cho rằng lệnh cấm dầu Nga của EU có thể gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và là hành động “tự hủy” với liên minh này.

Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Đồ họa: Visual Capitalist.

Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Đồ họa: Visual Capitalist.

Hồng Hạnh (Theo TASS)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*