“Sinh hoạt phí của gia đình bạn, khả năng bạn mua xăng đầy bình, không có vấn đề nào đáng phải phụ thuộc vào việc liệu một lãnh đạo nước ngoài có tuyên chiến và thực hiện tội ác diệt chủng ở cách nửa vòng trái đất hay không”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Menlo, bang Iowa, hôm 12/4, khi đề cập ảnh hưởng của xung đột Ukraine tới việc người Mỹ chịu giá xăng và thực phẩm tăng.
Ông chủ Nhà Trắng sau đó nói với các phóng viên rằng ông cố tình sử dụng từ “diệt chủng” khi phát biểu, nhưng thêm rằng ông sẽ để các luật sư quyết định trên phương diện quốc tế rằng liệu từ này phù hợp hay không. “Nhưng đối với tôi nó là như vậy”, Tổng thống Mỹ nói.
Liên Hợp Quốc định nghĩa tội ác diệt chủng là “các hành động được thực hiện với mục đích tiêu diệt một phần hoặc toàn bộ một quốc gia, dân tộc, chủng tộc hay nhóm tôn giáo”.
Nga đã chỉ trích phát ngôn của ông Biden. “Chúng tôi coi nỗ lực bóp méo tình hình này là không thể chấp nhận được”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay nói trong cuộc họp báo.
“Thật khó có thể chấp nhận khi đây là phát ngôn của một tổng thống Mỹ, quốc gia đã phạm nhiều tội ác khét tiếng trong thời gian gần đây”, phát ngôn viên nói thêm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh bình luận của người đồng cấp Mỹ Biden, gọi đây là “những lời nói chân chính của một lãnh đạo thực sự”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối gọi các hành động của quân đội Nga ở Ukraine là “diệt chủng”, nhấn mạnh rằng sự leo thang căng thẳng trong các tuyên bố sẽ không giúp ngăn chặn cuộc chiến. Macron cho rằng nên thận trọng khi sử dụng các thuật ngữ, đặc biệt khi “người Ukraine và người Nga là những dân tộc anh em”.
Nhóm chuyên gia của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 13/4 ra báo cáo cáo buộc Nga “vi phạm luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế” trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Báo cáo nói rằng lực lượng Nga đã bắt cóc dân thường, không thực hiện các biện pháp cẩn trọng cần thiết, không tránh tấn công các địa điểm như trường học, bệnh viện.
Các chuyên gia của OSCE cũng xác định cuộc tấn công ngày 9/3 vào bệnh viện phụ sản và nhi đồng ở Mariupol và cuộc tấn công vào nhà hát Mariupol ngày 16/3 là “tội ác chiến tranh”. Ukraine cáo buộc Nga thực hiện những vụ không kích này, trong khi Moskva khẳng định họ không tấn công hai cơ sở và tố cáo Ukraine dàn dựng.
Phái đoàn Nga tại OSCE bình luận trên Twitter rằng báo cáo “chỉ dựa trên các luận điểm tuyên truyền vô căn cứ, chứa thông tin từ các nguồn đáng ngờ và lối suy diễn hoang đường, được biện minh bằng cách sử dụng cụm từ ‘nhiều khả năng xảy ra'”.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch hôm 24/2, Moskva luôn khẳng định họ chỉ tấn công mục tiêu quân sự, không nhắm vào dân thường.
Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan hôm nay đến Bucha, ngoại ô Kiev, tâm điểm tranh cãi giữa Nga và Ukraine về cáo buộc “thảm sát dân thường”.
“Ukraine là hiện trường tội ác”, ông Khan nói. “Chúng tôi ở đây vì chúng tôi có cơ sở hợp lý để tin rằng những hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền xử lý của tòa án đang được thực hiện”.
ICC có trụ sở tại The Hague, có chức năng điều tra và truy tố các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng. Ông Khan cho biết một nhóm pháp y của ICC sẽ làm việc để tìm hiểu sự thật, nhấn mạnh tình hình Ukraine đòi hỏi “cuộc điều tra độc lập, không thiên vị”.
Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính hơn 4,6 triệu người Ukraine đã sơ tán ra nước ngoài, 7,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên lãnh thổ Ukraine. Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 1.842 dân thường đã thiệt mạng và 2.493 người bị thương ở Ukraine liên quan tới xung đột, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi