Điểm gây tranh cãi trong vụ tập kích trung tâm thương mại Ukraine

Ukraine hôm 28/6 cáo buộc Nga phóng tên lửa vào trung tâm thương mại Amstor ở thành phố Kremenchuk ở tỉnh miền trung Poltava, khiến 18 người thiệt mạng. Sự việc đã gây chú ý trong dư luận toàn cầu và nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chỉ trích vụ tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó ra tuyên bố khẳng định không tập kích trung tâm thương mại Amstor, mà chỉ sử dụng tên lửa chính xác cao phá hủy kho vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine trong khuôn viên Nhà máy chế tạo máy móc đường bộ Kremenchuk (KredMash) gần đó.

“Đạn dược tại kho vũ khí này phát nổ, gây ra đám cháy tại trung tâm mua sắm không còn hoạt động nằm cạnh nhà máy”, thông cáo của quân đội Nga có đoạn.

Tuy nhiên, lời kể của các nhân chứng, cùng thông tin do giới chức Ukraine công bố và phân tích của các chuyên gia quân sự chỉ ra một số điểm bất hợp lý trong tuyên bố của Nga.

Bộ Quốc phòng Ukraine công bố video dài khoảng 4 giây về vụ tấn công, cho thấy một quả tên lửa lao xuống lúc 15h51 ngày 27/6, tạo ra vụ nổ lớn và nhiều mảnh văng. Hình ảnh của trung tâm thương mại Amstor được thể hiện rõ ở góc bên phải video, ngay cạnh nơi tên lửa phát nổ.

Khoánh khắc tên lửa Nga lao xuống thành phố miền trung Ukraine

Khoánh khắc tên lửa Nga lao xuống thành phố miền trung Ukraine

Video từ camera giám sát thể hiện khoảnh khắc tên lửa lao xuống mục tiêu ở Kremenchuk ngày 27/6. Video: BQP Ukraine.

Cảnh sát Ukraine đã thu thập các mảnh kim loại từ đầu đạn tên lửa tại hiện trường. Các mảnh vỡ cho thấy đây nhiều khả năng là tên lửa diệt hạm Kh-22 có tầm bắn 600 km và mang theo đầu đạn nặng một tấn, được phóng ra từ oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M.

Ảnh vệ tinh cho thấy nhà máy KredMash nằm cách trung tâm thương mại Amstor khoảng 500 m. Các chuyên gia quân sự tại cộng đồng tình báo nguồn mở Molfar cho rằng vụ nổ ở đây, ngay cả khi do tên lửa có đầu đạn một tấn gây ra, cũng không thể tạo ra ngọn lửa đủ lớn để lan đến Amstor.

Phóng viên Guardian khi khảo sát khu vực KredMash và trung tâm Amstor cho hay các tòa nhà, công trình, đường sá nằm giữa hai địa điểm gần như không bị hư hại, cho thấy không có ngọn lửa nào lan từ nhà máy đến khu mua sắm.

Ảnh vệ tinh thể hiện khoảng cách giữa khu công nghiệp và trung tâm thương mại Amstor. Ảnh: Bellingcat.

Ảnh vệ tinh thể hiện khoảng cách giữa khu công nghiệp và trung tâm thương mại Amstor. Ảnh: Bellingcat.

Điểm bất hợp lý thứ hai trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga là thông tin trung tâm thương mại Amstor đã “ngừng hoạt động” khi bị cháy sau vụ tập kích tên lửa.

Hàng chục công nhân nhà máy cũng như người dân sống gần hiện trường khẳng định trung tâm thương mại Amstor vẫn hoạt động và rất đông khách vào thời điểm xảy ra vụ tập kích, trái với thông báo của Nga.

Thẻ nhân viên trung tâm và các sản phẩm bày bán trên kệ nằm trong những đống mảnh vỡ được phát hiện tại hiện trường.

Ban quản lý trung tâm thương mại dường như đã gửi tin nhắn cho các nhân viên từ ngày 23/6, yêu cầu họ không đi ra ngoài khi có báo động phòng không. “Bắt đầu từ hôm nay, địa điểm này sẽ không đóng cửa trong lúc còi báo động vang lên. Trung tâm thương mại sẽ mở cửa không nghỉ từ 8h-21h”, tin nhắn có đoạn.

Hóa đơn mua sắm được cư dân Kremenchuk đăng trên mạng xã hội những ngày gần đây cho thấy trung tâm Amstor vẫn mở cửa và hoạt động vào ngày 27/6.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga rằng nhà máy KredMash là một kho vũ khí cũng gây nhiều hoài nghi.

Theo trang web điều tra Bellingcat có trụ sở tại Mỹ, Poltavainfo, trang thông tin về tỉnh Poltava, cuối năm 2014 có đăng bài viết cho biết công nhân KredMash đã “sửa chữa và bàn giao ba thiết giáp chở quân BTR-70 cho Lữ đoàn cơ giới số 92”. Tuy nhiên, Bellingcat cho rằng thông tin này chưa đủ để chứng minh KredMash là địa điểm lưu trữ vũ khí phương Tây vào năm 2022.

Mảnh vỡ tên lửa được giới chức Ukraine trưng bày bên ngoài trung tâm thương mại ở Kremenchuk hôm 28/6. Ảnh: AFP.

Mảnh tên lửa được trưng bày bên ngoài trung tâm thương mại ở Kremenchuk hôm 28/6. Ảnh: AFP.

Oleh Liednik, chỉ huy quân khu Kremenchuk, khẳng định nhà máy KredMash cung cấp dịch vụ rải nhựa đường, sửa chữa đường bộ và sản xuất các thiết bị chuyên dụng cho hoạt động này. “Nhà máy được xây năm 1984, không sản xuất hay sửa chữa thiết bị quân sự nào và cũng không có chu trình công nghệ nào cho hoạt động này”, ông nói.

Nhà máy dường như đã đóng cửa từ trước khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2 và chỉ có một bảo vệ trông coi. Người này kết thúc ca làm việc lúc 14h ngày 27/6, không lâu trước khi tên lửa rơi xuống.

Vũ Anh (Theo Guardian)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*