Trình bày về kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2022 – 2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Đây là vùng có rất nhiều tiền năng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư kết cầu hạ tầng giao thông – vận tải.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải. Ảnh: Trọng Tín |
Mặc dù vậy, ông Thể cho rằng, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, đặc biệt là đáp ứng đòi hỏi về vận tải hành khách, hàng hóa với thời gian nhanh, chất lượng cao; chưa có cảng biển nước sâu để có thể làm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đi các nước trong khu vực và đi các tuyến biển xa…
“Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII vẫn xác định hạ tầng giao thông – vận tải vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế và đặc biệt là vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Hiện Bộ Giao thông – Vận tải đã rà soát, đánh giá, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền, trong đó có ĐBSCL để xây dựng quy hoạch, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
“Đây là lần đầu tiên triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia, là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics”, ông Thể nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các quy hoạch được lập đồng thời, nên sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế từ công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch của các thời kỳ trước.
Đến nay, 4 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một quy hoạch đã hoàn thiện dự thảo quyết định; các quy hoạch đã được tích hợp đầy đủ trong quy hoạch vùng ĐBSCL.
Về quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông – vận tải, ông Thể cho rằng, mục tiêu khi lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL phải tạo ra được động lực, tạo đột phá, dư địa mới cho phát triển.
Trong đó, sẽ hình thành mạng đường bộ với 33 tuyến quốc lộ dài khoảng 3.611 km để đảm nhận vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với các tuyến cao tốc xương sống chính của vùng; đầu tư nâng cấp các cảng hàng không trong vùng, nâng công suất từ 7,45 triệu HK/năm hiện nay lên 18,5 triệu HK/năm, bổ sung vào quy hoạch thành phố Cần Thơ kho hàng hóa, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để đầu tư, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa có giá trị cao, thời gian ngắn; hình thành tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ…
“Các quy hoạch chuyên ngành quốc gia này đã được tích hợp trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Do vậy, cùng với hệ thống giao thông của địa phương, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thực sự là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Về kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng, ông Thể cho biết giai đoạn 2011 – 2015, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho vùng khoảng 43.544 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% so với cả nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2020, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho vùng xuống còn khoảng 32.961 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước.
Đến giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho vùng đã tăng lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước để triển khai 27 dự án. Như vậy, giai đoạn này số vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho vùng tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016 – 2020; riêng số vốn bố trí để đầu tư hệ thống đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% mức vốn đầu tư cho đường cao tốc của cả nước.
Trong giai đoạn 2026 – 2030, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến cao tốc còn lại như nâng cấp các tuyến kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền, tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau, tuyến sống Hàm Luông; tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa các cảng thủy nội địa theo quy hoạch được duyệt; kêu gọi các cảng biển trong khu vực, đầu tư khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ của vùng tại khu vực cửa Trần Đề…
Giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước. Ảnh: Lê Toàn |
Mặc dù quy hoạch và kế hoạch đầu tư trong tương lai đã được ban hành, song theo ông Nguyễn Văn Thể, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn vốn tín dụng dài hạn khó tiếp cận, các vướng mức thể chế của hình thức BOT đang tiến hành tổng kết đánh giá, các dự án đường bộ cao tốc cần có cách tiếp cận mới về huy động nguồn lực xã hội, chuyển từ hình thức hợp đồng BOT sang hình thức O&M, nghĩa là nhà nước sẽ đầu tư công và huy động nhà đầu tư vận hành khai thác theo hình thức nhượng quyền thu phí như đối với 3 dự án cao tốc Quốc hội vừa thông qua.
Đối với các lĩnh vực cảng biển, cảng thủy nội địa đã phân cấp hoàn toàn cho các địa phương chủ trì đầu tư, ông Thể đề nghị các địa phương tiếp tục đấy mạnh.
Ngoài ra, ông Thể cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh để phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
“Tôi có một niềm tin nếu thực hiện thành công quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, sẽ đánh thức vùng đồng bằng trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển, phát huy được tất cả tiềm năng và lợi thế vốn có”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Để lại một phản hồi