Các chuyên gia dự báo cầu tiêu thụ xăng dầu của Mỹ sẽ tăng cao vào mùa du lịch hè, cộng với việc Trung Quốc nới lỏng phong tỏa chống dịch Covid-19 sẽ đẩy giá dầu thế giới tăng cao hơn nữa. Ảnh: AFP |
Động thái của Saudi Arabia báo hiệu nguồn cung dầu mỏ bị thắt chặt, bất luận sau khi Tổ chức các ngước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) nhất trí nhanh chóng tăng sản lượng trong hai tháng tới.
Giá dầu thô Brent sáng nay tăng 91 cent, tương đương 0,8%, lên 120,63 USD/thùng vào lúc 03:43 giờ GMT, sau khi đạt mức cao nhất phiên là 121,95 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent tăng 1,8% trong phiên giao dịch cuối tuần trước – phiên 3/6.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 93 cent, tương đương 0,8%, lên 119,80 USD/thùng sau khi đạt đỉnh ba tháng là 120,99 USD. Tương tự Brent, dầu thô WTI cũng tăng giá 1,7% tại phiên giao dịch cuối tuần trước.
Theo thông báo ngày 5/6 của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco, Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô nhẹ hàng đầu mà nước này cung cấp cho thị trường châu Á với mức chênh 6,50 USD so với mức trung bình mà Oman và Dubai bán ra, cao hơn 2,10 USD so với mức chênh của tháng 6.
Động thái tăng giá bán chính thức của Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh liên minh OPEC+ tuần trước đã đạt được thỏa thuận tăng sản lượng vào tháng 7 và tháng 8 thêm 648.000 thùng/ngày, nhiều hơn 50% so với kế hoạch trước đó.
Cũng trong tuần trước, Iraq cho biết họ có kế hoạch nâng sản lượng lên 4,58 triệu thùng/ngày vào tháng 7.
Về vấn đề này, ông Avtar Sandu, Giám đốc hàng hóa của Công ty môi giới Phillip Futures tại Singapore cho rằng, các nhà sản xuất dầu mỏ đang tận dụng nốt cơ hội để tăng giá trước khi nguồn cung được đẩy thêm vào thị trường. Ngoài ra, chuyên gia này dự đoán nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Mỹ sẽ tăng cao vào mùa du lịch hè và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19 sẽ đẩy giá dầu thế giới tăng cao hơn nữa.
Do vậy, động thái tăng sản lượng của OPEC+ được cho là khó có thể đáp ứng được nhu cầu dầu mỏ tăng cao bởi việc phân bổ tăng sản lượng được áp dụng cho tất cả các thành viên, bao gồm cả Nga – quốc gia đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Mặc dù mức tăng đó là rất cần thiết, nhưng nó không đáp ứng được kỳ vọng thị trường, đặc biệt là khi EU đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ của Nga”, ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại Commonwealth Bank đánh giá.
Trong động thái liên qua, các nguồn tin của Reuters cho biết Công ty dầu mỏ Eni của Italia và Công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận chuyển dầu mỏ của Venezuela đến châu Âu ngay trong tháng tới để bù đắp cho phần dầu thô thường phải nhập từ Nga. Tuy nhiên, lượng dầu mỏ mà hai công ty này chuyển đến châu Âu là không nhiều.
Để lại một phản hồi