Nhiều dự báo trước đó đã đưa ra kịch bản Vn-index sẽ thủng mốc 1.200 điểm khi nhìn thấy các yếu tố tiêu cực sẽ diễn ra trong tuần qua, tâm điểm vẫn là quyết định của FED về việc tăng lãi suất thêm 0,75% để đưa lãi suất lên mức 1,5%-1,75% nhằm kiềm chế lạm phát; song song đó thông tin trong nước có phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 6/2022 với cách tính giá thanh toán cuối cùng mới phần nào đó đã khiến diễn biến về cuối phiên trở nên ít bất ngờ hơn. Và phiên cuối tuần cũng là thời điểm mà các quỹ ETF tiến hành tái cơ cấu danh mục cũng khiến cho cung cầu trên thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng.
Dù bên bán chiếm ưu thế nhưng cầu bắt đáy quanh ngưỡng tâm lý 1.200 khá tốt đã thu hẹp mức giảm.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam cho rằng, dù không có yếu tố nào ủng hộ nhưng lực cầu bắt đáy quanh vùng này thể hiện vẫn đang hỗ trợ thị trường ở vùng 1.200 điểm, tạo cây nến rút chân trong tuần qua, đóng cửa không quá tệ. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường
Trong tuần qua, dòng tiền phân hoá, tập trung ở nhóm dự báo có kết quả kinh doanh tốt như năng lượng, xuất khẩu, dầu khí, bán lẻ…trong khi đó bank-chứng-thép giảm mạnh, trong đó có nhiều mã chứng khoán thiết lập đáy mới.
Theo ông Ngọc, tuần tới, các tin xấu nhất đã được phản ánh nên dự kiến sẽ giao dịch cân bằng hơn, thậm chí có phiên hồi phục với thanh khoản thấp, tâm lý thì nghi ngờ. Thị trường sẽ tạo nền giá mới trước khi hồi phục rõ nét hơn, nhưng tựu chung, tuần này sẽ khả quan hơn.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường đã bước vào sóng điều chỉnh c sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên 10/6. Và theo lý thuyết sóng elliott thì mục tiêu của sóng điều chỉnh c theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.130 điểm (fibonacci extension 50% sóng điều chỉnh a).
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu bên mua trở nên chủ động hơn và bên bán suy yếu thì không loạt trừ khả năng thị trường có thể sớm hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.300 điểm sau khi đã test thành công lực cầu dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên 15/6 và 17/6.
Dự kiến, thị trường sẽ có khoảng thời gian kiểm tra lại cung cầu trong vùng Gap 1.220 – 1.230 điểm, tuy nhiên vẫn cần lưu ý áp lực bán lớn còn tiềm ẩn tại vùng này.
Ông Ngọc cho rằng, nhà đầu tư cầm sẵn tiền thì có cơ hội, còn đang cầm cổ phiếu thì chờ đợi hồi phục để cơ cấu danh mục, còn bán tháo có thể bị bán đúng đáy.
Thời gian tới, dòng tiền có thể hướng về chủ đề kết quả kinh doanh quý 2. Nhóm ngành liên quan đến phân bón, hoá chất, dầu khí, thuỷ sản, bán lẻ vẫn khả quan về KQKD, nhưng bản chất giá cổ phiếu hiện nay không rẻ, đã phản ánh trước kì vọng một phần.
Ông Ngọc cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã bị chiết khấu sâu nhưng kết quả kinh doanh quý 2 không tệ, trong khi nhóm chứng khoán có thể hồi kỹ thuật, bởi quý 2 có thể ảm đạm, không vượt trội so với cùng kỳ.
Còn theo quan điểm của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam cho biết, nhiều nhóm cổ phiếu tăng trong giai đoạn qua đến từ yếu tố tâm lý là chính, chẳng hạn cổ phiếu ngành điện, năng lượng là nhóm cổ phiếu tốt thì không sai, nhưng cần lưu ý, nếu chỉ nói về tăng trưởng thì các ngành nghề khác đều có tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ. Thậm chí cả ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản KCN đều tốt…hầu hết các ngành chính yếu đều tốt.
Theo ông Phương, điện xưa giờ là cổ phiếu phòng vệ, có đặc điểm là doanh nghiệp điện chịu giám sát về giá đầu ra, không phải muốn bán bao nhiêu thì bán, nên biên lợi nhuận không cao. Trong lúc hoang mang, bấn loạn, và cổ phiếu ngành nào cũng giảm rất sâu, thì có những nhóm ngành ‘cứu cánh” chỉ với thông tin tích cực một chút, thì nhà đầu tư mua vào.
“Thậm chí, các nhà tạo lập cũng có phần quay sang dẫn dắt cổ phiếu ít thanh khoản, như ngành điện thì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có tỷ lệ freefloat không cao, nên chỉ cần cầu tăng chút là tăng. Cứ có những con sóng nhỏ lên xuống, dễ thu hút dòng tiền đoạn này và họ phân phối dần”, ông Phương nói. Theo đó, để nói đây là nhóm vượt trội để hút dòng tiền thì chưa phải.
Nhóm ngành được ông Phương khuyến nghị có thể quan tâm vẫn là nhóm phân đạm dù đã tạo trend tăng tốt vài tháng qua (đặc trưng là tỷ lệ freefloat ít, lại hưởng lợi giá tăng trên thế giới, và đang hút dòng tìên nước ngoài). Bên cạnh đó còn có nhóm dầu khí với giá dầu vẫn duy trì mức cao trên 120 USD/thùng. Và ngành thép sẽ sớm hồi phục nhờ nhu cầu sẽ gia tăng từ đầu tư công, từ nhu cầu mở rộng nhà xưởng ở các khu công nghiệp,…trong khi giá cổ phiếu đã bị chiết khấu sâu.
Để lại một phản hồi