Ngày 15/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Việc lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm đã buộc FED phải hành động mạnh tay hơn những dự đoán trước đó. Tại Việt Nam, mặc dù số liệu lạm phát vẫn đang được giữ rất ổn định, CPI tháng 4 của Việt Nam chỉ tăng ở mức khiêm tốn là 2,64% so cùng kỳ nhưng rủi ro vẫn luôn hiện hữu. Nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ khó nằm ngoài xu hướng tăng lạm phát cũng lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu. Và thực tế nhiều Ngân hàng đã “rục rịch” tăng lãi suất tiền gửi thời gian gần đây.
Đáng chú ý, việc tăng lãi suất tạo ra sóng gió cho thị trường tài chính toàn cầu trong đó có cả Việt Nam. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm hàng chục phần trăm chỉ sau hơn 1 tháng. Nhịp chỉnh sâu của thị trường đã kéo theo nhiều cổ phiếu lao dốc, thậm chí ghi nhận các mức giảm lớn hơn nhiều lần, dao động từ 40% – 60% với những mã thanh khoản cao. Báo cáo gần đây của Mirae Asset đánh giá, sau nhịp giảm mạnh, vốn hóa nhiều doanh nghiệp đã giảm về gần với giá trị khoản mục tiền mặt – tài sản được xem là có tính an toàn cao trong giai đoạn trồi sụt. Như vậy, việc dự trữ được nguồn tiền mặt dồi dào có thể giúp nhiều doanh nghiệp phòng thủ tốt và thậm chí hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại.
Cũng cần lưu ý rằng, trên sàn chứng khoán có nhiều “đại gia” tiền mặt quen thuộc với nhà đầu tư có thể kể đến như HPG, ACV, GAS, BSR, FPT,…. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đều đang vay nợ rất lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ tiền ròng (sau khi trừ các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn) có thể xác định chính xác hơn tác động của việc lãi suất tăng là tích cực hay tiêu cực.
Xuất hiện doanh nghiệp sở hữu lượng tiền ròng gấp đôi vốn hóa
Theo dữ liệu cập nhật từ Fiinpro tại ngày 13/5/2022, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (mã chứng khoán: PVG) đang là doanh nghiệp có tỷ lệ tiền ròng lớn nhất, vượt mức 690 tỷ đồng, tương ứng tới 218,16% mức vốn hóa của doanh nghiệp (318 tỷ đồng).
Tiếp theo là Đầu tư dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán: TCH) với mức tiền ròng đạt 97,57% vốn hóa, cụ thể là 7.856 tỷ đồng tiền ròng và Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) xếp thứ 3 với tỷ lệ tiền ròng/vốn hóa đạt 94,31%, cụ thể là 2.992 tỷ đồng.
Danh sách không bao gồm các doanh nghiệp tài chính như: Ngân hàng, Bảo hiểm và Công ty chứng khoán
Xét riêng các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp hiện đang có dòng tiền cải thiện tốt trong quý 1/2022, thêm vào đó các doanh nghiệp này cũng đang sở hữu lượng tiền mặt lớn. Dầu khí đang là những doanh nghiệp dự trữ nhiều tiền mặt với đại diện dẫn dầu danh sách là Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí PTSC (mã chứng khoán: PVS) với giá trị tiền ròng/vốn hóa đạt hơn 72%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVS cũng cải thiện mạnh từ mức -1.356 tỷ đồng trong Q1/2021 lên mức 667 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua.
Danh sách các doanh nghiệp sản xuất có lượng tiền ròng so với vốn hóa lớn nhất còn có sự xuất hiện của PV Oil – OIL (5.293 tỷ đồng tiền ròng), Đạm Cà Mau – DCM (6.088 tỷ đồng tiền ròng), Cao su Đồng phú – DPR (1.152 tỷ đồng tiền ròng)…
Ngoài ra, một nhóm cổ phiếu được đánh giá có thể hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng lãi suất ngân hàng là ngành bảo hiểm khi lợi nhuận đến từ 2 kênh đầu tư chủ yếu sẽ tăng lên khi nhiều côg ty chủ yếu đầu tư bằng cách mua trái phiếu hay gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi, một số còn có đầu tư cổ phiếu hay bất động sản nhưng tỷ trọng không lớn.
Theo thống kê tại thời điểm cuối quý 1/2022, số dư tiền, tương đương tiền, tiền gửi và trái phiếu của các công ty bảo hiểm thường chiếm phần lớn quy mô tổng tài sản, thậm chí trên 70% như trường hợp của BIC, ABI. Nổi bật nhất phải kể đến BVH khi tỷ lệ trên lên đến 88% với tổng lượng tiền và trái phiếu lên đến hơn 162.000 tỷ đồng.
Đặc thù ngành bảo hiểm thường nắm giữ lượng lớn tiền gửi và trái phiếu
Ngoài xu hướng tăng lãi suất, cổ phiếu bảo hiểm còn được kỳ vọng với nhiều câu chuyện hấp dẫn đang chờ đợi như thoái vốn Nhà nước hay nới room ngoại. Bên cạnh đó, việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022 sẽ giúp các hoạt động bán hàng hồi phục qua đó thúc đẩy doanh thu phí bảo hiểm.
Không có những khoản tiền gửi khổng lồ như các công ty bảo hiểm nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp vẫn có những lợi thế riêng nhờ “của để dành” dư dả. Khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ giúp các doanh nghiệp KCN có dòng tiền về đều đặn qua đó duy trì lượng tiền và tiền gửi ổn định trong khi không cần phải vay nợ nhiều.
Điển hình như SIP có khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn lên đến 10.598 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022. Nhờ đó, không khó để công ty duy trì lượng tiền và tiền gửi trên 4.000 tỷ đồng như những quý gần đây. Tương tự, NTC cũng có gần 3.100 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện và số dư tiền và tiền gửi 1.450 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2022. Các khoản lãi tiền gửi có đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của NTC cũng như hầu hết các doanh nghiệp BĐS KCN.
Doanh nghiệp BĐS KCN có của để dành dư dả
Bên cạnh việc hưởng lợi từ lãi suất tăng, tiềm năng bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá còn rất lớn với hai phân khúc chính sẽ được khai thác bao gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng xây sẵn nhờ tốc độ phát triển của thương mại điện tử và làn sóng FDI vào Việt Nam.
Trong khi đó, SSI Research cho rằng, các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất sẵn sàng cho thuê sẽ có lợi thế do (1) nguồn cung mới vẫn còn hạn chế khi các khu công nghiệp mới duyệt quy hoạch đến 2-3 năm sau mới đi vào hoạt động; (2) giá thuê tại các khu công nghiệp hiện hữu tăng với mức trung bình đạt 8-20% so với cùng kỳ tại các KCN như Châu Đức, Phú Mỹ, Bàu Bàng, Yên Phong…
https://babfx.com/lai-suat-co-xu-huong-tang-doanh-nghiep-du-tru-nguon-tien-mat-doi-dao-va-it-vay-no-ky-vong-huong-loi-lon-20220616171456441.chn
Để lại một phản hồi