Lạm phát gây sóng gió, các nhóm ngành phòng thủ lên ngôi

Lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm tại Mỹ một lần nữa tạo ra sóng gió cho thị trường tài chính toàn cầu và chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Áp lực bán mạnh trên diện rộng trong phiên 13/6 khiến VN-Index giảm đến 57 điểm với hàng loạt cổ phiếu nằm sàn. Tuy nhiên, một số nhóm ngành phòng thủ điển hình như điện, nước hay dược vẫn xuất hiện những điểm sáng ngược dòng.

Nổi bật nhất phải kể đến cổ phiếu đầu ngành điện POW của PV Power với mức tăng 1,7% và là cái tên duy nhất trong nhóm VN30 tăng giá phiên hôm nay. Cổ phiếu này cũng có giao dịch đặc biệt sôi động với khối lượng khớp lệnh lên đến gần 41 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn sàn. Hiệu ứng lan tỏa sang nhiều cổ phiếu ngành điện khác như NT2 và VSH đều tăng 3%, KHP tăng 2,3% trong khi BTP, SEB, SBA cũng xanh nhẹ.

Lạm phát gây sóng gió, các nhóm ngành phòng thủ lên ngôi - Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu ngành điện ngược dòng

Thực tế, nhiều cổ phiếu ngành điện đã cho thấy khả năng phục hồi từ đáy tốt hơn thị trường chung đặc biệt trong những phiên gần đây khi VN-Index biến động mạnh nhưng không thể gia tăng điểm số. So với đáy hồi giữa tháng 5, POW và NT2 đều tăng khoảng 35% còn VSH thậm chí đã tăng đến 50%, ấn tượng hơn nhiều so với mức tăng gần 6% của VN-Index trong cùng giai đoạn.

Với mức tăng trưởng vượt bậc của quá trình chuyển đổi năng lượng những năm qua, VNDirect cho rằng các công ty tập trung đầu tư năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới. Việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế như ngành điện là một lựa chọn an toàn và hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường biến động mạnh gần đây.

VNDirect đánh giá lạc quan về việc sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại trong 2022 từ mức nền thấp 2021, nhờ sự nhu cầu điện phục hồi mạnh mẽ. Miền Bắc được dự báo có nguy cơ thiếu điện do phụ tải điện cao trong mùa nắng nóng, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung than cho hơn 3.000MW các nhà máy nhiệt điện trong thời gian gần đây.

Lạm phát gây sóng gió, các nhóm ngành phòng thủ lên ngôi - Ảnh 2.

Tuy nhiên, thực tế là khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh, việc phát triển một hệ thống điện phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng là rất quan trọng. Hiện tại, thủy điện đã dần cạn kiệt tiềm năng khai thác, điện than phải đối mặt với những khó khăn tài chính đầy thách thức do tác động tiêu cực đến môi trường.

Do đó, năng lượng tái tạo nhận được sự quan tâm rất lớn do tính chất sạch và tiềm năng tăng trưởng công suất lớn. Song. do tính không ổn định và hệ số công suất thấp do phụ thuộc vào thời tiết nên việc phát triển thêm nguồn điện nền như điện khí là điều cần thiết để hỗ trợ hệ thống điện một cách đầy đủ…

Bên cạnh nhóm điện, các cổ phiếu ngành nước cũng rất được chú ý trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Mặc dù áp lực bán bao trùm thị trường phiên hôm nay nhưng TDM của Nước Thủ Dầu Một vẫn ngược dòng tăng nhẹ lên mức 39.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm cách đây 1 tháng, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 19%.

Lạm phát gây sóng gió, các nhóm ngành phòng thủ lên ngôi - Ảnh 3.

Theo Mirae Asset, việc tập đoàn LEGO đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại VSIP3 sẽ giúp cho nhu cầu tiêu thụ và sử dụng nước tại khu vực Bình Dương tăng lên sẽ là một điểm sáng tích cực và kỳ vọng giúp cho TDM tăng sản lượng trong năm 2022. Đồng quan điểm, VCSC dự báo sản lượng nước thương phẩm của TDM sẽ tăng 13% so với cùng kỳ vào năm 2022 chủ yếu nhờ sự phục hồi kinh tế ở tỉnh Bình Dương sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vào năm 2021.

Được coi là một trong những nhóm phòng thủ truyền thống nhưng ngành dược cũng chỉ có một đại diện hiếm hoi ngược dòng phiên hôm nay là TRA của Traphaco. Cổ phiếu thực tế cũng gần như chật vật cả phiên trong sắc đỏ trước khi được kéo ngược lên tăng nhẹ vào cuối phiên. Khác với các cổ phiếu trên, TRA biến động không quá mạnh thời gian gần đây khi giảm khoảng 8% so với đỉnh cách đây gần 2 tháng.

Lạm phát gây sóng gió, các nhóm ngành phòng thủ lên ngôi - Ảnh 4.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn khó có thể gạt nhóm dược nói chung và TRA nói riêng khỏi danh mục phòng phủ bởi khả năng chống chịu với lạm phát được đánh giá cao. Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao nhờ chi phí đầu vào ổn định so với các ngành khác. Cấu thành chi phí sản xuất viên thuốc cuối cùng sẽ rất phân mảnh và hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Thất thu thuế rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ

https://babfx.com/lam-phat-gay-song-gio-cac-nhom-nganh-phong-thu-len-ngoi-20220613154110955.chn

Theo Hà Linh

Nhịp Sống Kinh tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*