Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến thông báo với quốc hội Mỹ về kế hoạch bán 4 máy bay không người lái (UAV) tầm trung MQ-1C Gray Eagle cho Ukraine trong vài ngày tới. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn có thể bị chặn tại quốc hội, cũng như đối mặt nguy cơ bị hủy bỏ vì các thay đổi chính sách phút chót, ba nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề tiết lộ hôm 1/6.
Ngân sách mua máy bay và huấn luyện binh sĩ Ukraine sẽ được lấy từ gói viện trợ an ninh 40 tỷ USD dành cho Ukraine. Mỗi chiếc MQ-1C bán cho lục quân Mỹ có giá xuất xưởng hơn 20 triệu USD, chưa tính chi phí phát triển và trang bị vũ khí.
Quá trình huấn luyện vận hành và bảo dưỡng dòng MQ-1C thường mất vài tháng, nhưng các nguồn tin cho biết Lầu Năm Góc đang đề xuất phương án đào tạo binh sĩ Ukraine có kinh nghiệm chỉ trong vài tuần. Tên lửa Hellfire có thể được chuyển giao cho Kiev sau khi quá trình huấn luyện hoàn tất.
Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối bình luận, trong khi người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết “không có gì để công bố”.
Ukraine đang sử dụng nhiều loại UAV hạng nhẹ để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có mẫu RQ-20 Puma của Mỹ và Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Nếu thương vụ được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Kiev sở hữu hệ thống UAV hiện đại, có khả năng thực hiện nhiều đòn tấn công vào sâu trong khu vực do Moskva kiểm soát trên chiến trường.
Gray Eagle là biến thể hiện đại hóa của dòng MQ-1 Predator, được phát triển cho lục quân Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo sự điều hành của chỉ huy chiến trường. Nó có thể làm nhiệm vụ trinh sát, do thám và xác định mục tiêu (RSTA), bảo vệ đoàn xe, phát hiện thiết bị nổ tự chế, cũng như cung cấp hình ảnh trực tiếp từ trên không và tấn công chính xác bằng vũ khí dẫn đường.
MQ-1C có khối lượng cất cánh lớn gấp ba lần dòng TB2, mang được nhiều vũ khí và có tầm bay, thời gian hoạt động lâu hơn nhiều.
Sự xuất hiện của những chiếc Gray Eagle được coi là bước nhảy vọt công nghệ với quân đội Ukraine. Mỗi chiếc có thể hoạt động trong hơn 30 giờ liên tiếp và thu thập lượng lớn dữ liệu tình báo, đồng thời mang được 8 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire với nhiều loại đầu đạn khác nhau, thay vì chỉ giới hạn với tên lửa cỡ nhỏ MAM-L như dòng TB2.
Giới chuyên gia cho rằng Moskva đang muốn nhanh chóng kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass ở miền đông Ukraine trước khi vũ khí hạng nặng của phương Tây được chuyển tới cho Kiev.
Tổng thống Mỹ Biden hôm 1/6 thông báo gói hỗ trợ vũ khí 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó có 4 hệ thống pháo phản lực tầm trung HIMARS với tầm bắn khoảng 80 km. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Kiev đảm bảo rằng sẽ không sử dụng HIMARS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chỉ trích động thái của Mỹ, cảnh báo những đợt viện trợ quân sự cho Ukraine có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Điện Kremlin gọi hành động tiếp vũ khí cho Kiev của Washington là “đổ thêm dầu vào lửa”.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi