Người Việt ở Mỹ thắt chặt chi tiêu khi giá xăng tăng kỷ lục

“Giá xăng tăng cao đồng nghĩa với chi phí vận chuyển tăng, khiến các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo trong bối cảnh lạm phát kỷ lục”, ông Lê Tuấn Anh, hướng dẫn viên du lịch tại thành phố New York, Bờ Đông Mỹ, nói với VnExpress về chi phí nhiên liệu tại nước này.

Giá xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ đã lập 27 kỷ lục trong 28 ngày qua và dự kiến đạt mức chưa từng có 5 USD/gallon (3,78 lít) trong vòng hai tuần tới, theo Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS, cơ quan theo dõi, phân tích giá nhiên liệu cho Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA).

Một phụ nữ đổ xăng tại Manhattan, thành phố New York, Mỹ, ngày 7/3. Ảnh: Reuters.

Một phụ nữ đổ xăng tại Manhattan, thành phố New York, Mỹ, ngày 7/3. Ảnh: Reuters.

Ông Tuấn Anh cho hay giá xăng ở New York đã vượt mức 5 USD/gallon, tăng 20% chỉ trong vòng hai tháng. Ông cho biết giá xăng thay đổi theo từng bang ở Mỹ, tùy theo chính sách trợ giá và thuế của mỗi địa phương. Các tài xế ở khu vực Bờ Tây như California đang phải mua xăng với giá bình quân 6,5 USD/gallon.

Derek Pham, nhà báo tại California, cho biết giá xăng loại cao nhất ở thành phố San Diego nơi anh định cư đã lên tới 7 USD/gallon.

“Trước đây đổ đầy bình xăng mất khoảng 80 USD, bây giờ phải trả 110 USD. Hiện muốn đi đâu xa, qua các quận kế bên là phải lên lịch kết hợp hai, ba việc cùng một lúc để đi một lần cho đỡ tốn xăng”, anh nói.

Khi giá xăng chỉ liên tục tăng mà không giảm, Derek đã quyết định mua một chiếc xe điện để dùng làm phương tiện di chuyển chính. “Hy vọng giá xăng bình ổn trở lại, vì nó kéo nhiều thứ giá khác lên theo”, anh nói.

Đối mặt với giá xăng tăng cùng hàng loạt chi phí trong cuộc sống tăng theo, trong khi thu nhập của hai vợ chồng gần như không đổi, ông Tuấn Anh buộc phải có những biện pháp cắt giảm chi tiêu để thích ứng với tình hình.

“Gia đình chúng tôi đã điều chỉnh ngân sách, hạn chế mua sắm những thứ không thiết yếu như quần áo, đồ trang trí, nội thất, cũng như hạn chế ăn ngoài”, ông chia sẻ. “Thực phẩm thì mua ở Costo, siêu thị tương tự BigC, giá sẽ rẻ hơn, hạn chế mua ở các tiệm nhỏ”.

Ivy Nguyễn, người Việt định cư tại thành phố Houston, bang Texas, cho biết kể từ khi giá xăng bắt đầu tăng vài tháng gần đây, chi phí sinh hoạt trong gia đình tăng gần như gấp đôi.

“Nhiều người phải nhịn ăn để đổ xăng, gia đình tôi may mắn có công việc ổn định, song ngại nhất là giá thực phẩm theo đó cũng tăng quá nhiều”, chị nói.

Mức tăng hàng năm của các loại thực phẩm. Biểu đồ: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Mức tăng hàng năm của các loại thực phẩm tại Mỹ. Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Vi Dang, kế toán tại thành phố Austin, bang Texas, cũng cho rằng xăng tăng khiến chi phí thực phẩm tăng mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Gia đình chị phải điều chỉnh linh hoạt theo mức tăng của vật giá để có thể đảm bảo tài chính và có một khoản tiết kiệm.

“Chúng tôi đắn đo nhiều trước khi mua sắm hay ra ngoài ăn uống, nhưng cũng phải ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ, vì họ bị ảnh hưởng nhiều”, chị Vi chia sẻ. “Điều đáng sợ nhất là khủng hoảng sữa bột. Xăng tăng khiến chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn, góp phần gây ra tình trạng khan hiếm sữa bột và giá tăng theo”.

Xăng tăng giá, chi phí mua hàng hóa, thực phẩm, tiền thuê nhà cũng tăng, khiến nhiều người Mỹ lâm vào cảnh giật gấu vá vai mỗi khi chi tiêu. Một số người chỉ đổ lưng chừng bình xăng khi chưa tới kỳ nhận lương, theo Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của GasBuddy.

Giá xăng ở Mỹ liên tục lập kỷ lục là hệ quả của tổng hòa nhiều yếu tố, từ xung đột tại Ukraine cho đến suy giảm sản lượng dầu khai thác và công suất lọc dầu, trong khi nhu cầu sử dụng xăng dầu cũng được dự đoán tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi hậu Covid-19.

Một người đàn ông bơm xăng tại trạm Murphy Express tại thành phố Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ, ngày 17/3/2020. Ảnh: Albuquerque Journal.

Một người đàn ông bơm xăng tại trạm Murphy Express tại thành phố Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ, ngày 17/3/2020. Ảnh: Albuquerque Journal.

Chuyên gia Kloza dự đoán nhu cầu xăng dầu ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, thời điểm mùa du lịch và nghỉ hè của sinh viên. Làn sóng biến chủng Omicron ở nước này đã hạ nhiệt và các biện pháp hạn chế Covid-19 cũng được các bang dỡ bỏ nhằm khuyến khích người dân ra khỏi nhà mua sắm, giải trí hoặc du lịch.

Dẫn số liệu mới nhất từ AAA, ông Tuấn Anh cho hay khoảng 40 triệu người Mỹ sẽ di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau trong mùa du lịch, khiến nhu cầu xăng dầu tiếp tục tăng và giá nhiên liệu khó đi xuống trong ngắn hạn. “Tôi chỉ mong giá xăng giảm bớt sau mùa hè này”, ông nói.

Đức Trung

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*