Nỗ lực giúp Ukraine duy trì lưới điện giữa thời chiến

Đêm 23/2, Volodymyr Kudrytskiy nhấn nút ngắt lưới điện Ukraine khỏi hệ thống của Nga và Belarus, trong lần kiểm tra định kỳ khả năng hoạt động trong trường hợp lưới điện Ukraine bị cô lập ba ngày.

Chỉ vài tiếng sau, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. “Khi đó, tôi lập tức hiểu rằng chúng tôi sẽ không bao giờ kết nối lại vào lưới điện của Nga nữa”, Kudrytskiy, giám đốc đơn vị vận hành hệ thống truyền tải điện Ukraine, nói.

Trong vòng ba tuần sau đó, Ukraine lên kế hoạch kết nối khẩn cấp với Mạng lưới Các nhà vận hành hệ thống truyền tải châu Âu (ENTSO-E), nhằm đề phòng trường hợp mất điện diện rộng hoặc thiếu điện.

Đường dây điện gần nhà máy điện hạt nhân Rivne ở phía tây Ukraine ngày 18/1/2019. Ảnh: Nhà máy điện Rivne

Đường dây điện gần nhà máy điện hạt nhân Rivne ở phía tây Ukraine ngày 18/1/2019. Ảnh: Nhà máy điện Rivne

Tuy nhiên, hơn ba tháng trôi qua, Kiev vẫn chưa cần nhờ châu Âu giúp đỡ. Dù đang trong thời chiến, Ukraine vẫn có thể sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ, chủ yếu là điện hạt nhân, thủy điện, điện tái tạo.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cũng là cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, vẫn hoạt động “ở mức tối thiểu” dưới sự vận hành của nhân viên người Ukraine, dù đang bị Nga kiểm soát. Kiev và Washington đã ký thỏa thuận mua nhiên liệu hạt nhân thay thế nguồn cung từ Nga.

Thách thức lớn nhất với Ukraine là bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng khỏi các trận giao tranh và sửa chữa những cơ sở bị hư hỏng.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Galushchenko cáo buộc Nga cố tình tấn công các nhà máy lọc dầu, bể trữ dầu và khí đốt, cũng như hệ thống truyền tải điện. “Đường dây tải điện và trạm biến áp chịu thiệt hại lớn nhất”, Kudrytskiy nói. Nga bác bỏ các cáo buộc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Ukraine duy trì được lưới điện phần lớn nhờ sự hỗ trợ từ đối tác bên ngoài, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), bên cung cấp dây cáp, cầu dao, tháp truyền tải, giúp Ukraine sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Artur Lorkowski, giám đốc Tổ chức Cộng đồng Năng lượng, một trong hai đơn vị ở châu Âu tham gia hỗ trợ Ukraine duy trì lưới điện, cho hay nước này thường đề nghị cung cấp tới 10.000 thiết bị và linh kiện để sửa chữa lưới điện bị hỏng, trong đó có nhiều trạm điện cho hệ thống tàu hỏa.

Các thiết bị này được vận chuyển tới trung tâm phân phối ở Ba Lan, Slovakia và Romania, sau đó chở qua biên giới đến kho hàng ở Ukraine.

Kudrytskiy cho hay Ukraine đã khôi phục hơn 90% cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại tại các vùng lãnh thổ mà Ukraine giành lại từ tay lực lượng Nga. Nhưng tại nhiều khu vực mà Nga đang kiểm soát như vùng Donbass hay thành phố Mariupol, điện đang bị cắt do giao tranh và nhân viên điện lực Ukraine không thể tiếp cận.

“Chúng tôi luôn cố gắng khắc phục sự cố điện ngay lập tức, nhưng thường là thợ điện không vào được khu vực đang xảy ra giao tranh”, Galushchenko nói.

“Quá trình sửa chữa lưới điện cũng rất nguy hiểm”, ông nhấn mạnh. “Một số kỹ thuật viên đã thiệt mạng khi sửa điện gần khu vực chiến sự. Đây là vấn đề khó giải quyết nhất trong tình hình hiện nay”.

Doanh thu của ngành điện Ukraine cũng giảm nặng do nhu cầu sử dụng điện thấp. Nếu tình hình không cải thiện, các công ty điện lực nước này có thể hết kinh phí hoạt động. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ điện ở Ukraine đã giảm 40% kể từ khi xung đột nổ ra.

Maxim Timchenko, giám đốc điều hành của DTEK, công ty điện tư nhân lớn nhất Ukraine, hồi tháng 5 cho hay thâm hụt trong lĩnh vực năng lượng Ukraine đã lên tới 250 triệu USD/tháng.

“Giải pháp hợp lý để các công ty điện lực Ukraine không bị sụp đổ tài chính là xuất khẩu điện sang châu Âu”, Timchenko nói.

Kudrytskiy ước tính Ukraine có khoảng 2-3 GW điện dư thừa, nhưng không thể xuất khẩu toàn bộ do các vấn đề kỹ thuật. Đồng bộ hóa lưới điện của Ukraine vào hệ thống điện châu Âu được cho là cách giải quyết.

“Chúng tôi đã nắm vững kỹ thuật đồng bộ hóa lưới điện và đang tìm cách thương lượng hợp đồng bán điện cho châu Âu”, Bộ trưởng Galushchenko nói. “Bình thường quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng chúng tôi đang trong tình huống khẩn cấp”.

Một trạm biến áp ở Lviv hư hỏng do trúng tên lửa Nga hôm 4/5. Ảnh: Reuters

Một trạm biến áp ở Lviv hư hỏng do trúng tên lửa hôm 4/5. Ảnh: Reuters

ENTSO-E cho hay quy trình đồng bộ hóa toàn diện yêu cầu thực thi “hàng loạt vấn đề như cấp độ hệ thống cấp điện của Ukraine và các biện pháp đảm bảo an toàn”. Còn Kiev khẳng định đẩy nhanh tiến trình bán điện sẽ mang lại lợi ích cho cả Ukraine và EU, bởi châu Âu đang tìm cách từ bỏ nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2030.

“Ukraine mang đến cơ hội tuyệt vời để châu Âu mua được nguồn điện sạch phi cacbon”, Kudrytskiy nói, lưu ý hành động này cũng giúp Ukraine duy trì ngành điện. “Đây là giải pháp đôi bên đều có lợi”.

Hồng Hạnh (Theo Politico)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*