Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 hôm 28/6 khép lại hội nghị thượng đỉnh tại Bavaria, Đức bằng một thỏa thuận, trong đó nhất trí thảo luận về loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Các lãnh đạo G7 đã thể hiện được tinh thần đoàn kết sau ba ngày họp ở Đức, khi họ cam kết duy trì sự hỗ trợ kiên định cho Ukraine mà không có bất kỳ dấu hiệu bất đồng nào.
Tuy nhiên, cuộc họp cũng cho thấy những giới hạn mà phương Tây phải đối mặt khi sử dụng các công cụ kinh tế nhằm gây sức ép lên Moskva, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 5 và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong khi viện trợ vũ khí của phương Tây đã mang đến những tác động tích cực nhất định cho Ukraine trên chiến trường, các biện pháp trừng phạt kinh tế lại cho thấy hiệu quả tương đối hạn chế. Một số lệnh trừng phạt thậm chí còn phản tác dụng với phương Tây và nhiều biện pháp mới không thể được triển khai nhanh chóng do quá phức tạp.
Các biện pháp trừng phạt chưa từng có do G7 và các đồng minh phương Tây áp đặt với nền kinh tế, ngành xuất khẩu năng lượng và dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương Nga đã gây biến động thị trường toàn cầu và khiến giá năng lượng, lương thực tăng vọt.
Giờ đây, lạm phát cao, tăng trưởng đình trệ và nguy cơ thiếu hụt năng lượng ở châu Âu vào mùa đông năm nay đang ngăn cản phương Tây tung ra những đòn trừng phạt cứng rắn hơn với Nga. Hầu hết các phương án có sẵn để trừng phạt Nga đều cạn kiệt, họ chỉ còn lại những lựa chọn phức tạp và gây tranh cãi hơn.
“Chúng tôi sẽ xem xét một loạt phương án, như những lựa chọn để có thể cấm tất cả các dịch vụ giúp vận chuyển dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu”, thông cáo của G7 viết. “Chúng tôi giao cho các bộ trưởng tiếp tục thảo luận khẩn cấp những biện pháp này, tham khảo ý kiến từ các nước thứ ba và các bên liên quan chính trong khu vực tư nhân, cũng như những nhà cung cấp để tìm giải pháp thay thế cho hydrocarbon của Nga”.
Một số quan chức và chuyên gia phương Tây cho biết bất kỳ biện pháp nào được nêu trong tuyên bố G7 đều mất rất nhiều thời gian để soạn thảo và thực hiện.
“Đây là một cam kết rất tham vọng, cần thêm nhiều thời gian cũng như nỗ lực”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói, đề cập đến đề xuất của Mỹ về việc áp giá trần dầu Nga.
Ông đồng thời cảnh báo rằng không có giải pháp thay thế nào khác hơn là tiếp tục đối đầu với Nga.
“Không thể quay trở lại thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, bởi khi tình thế thay đổi, chúng ta cũng phải thay đổi”, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.
Việc các lãnh đạo G7 không thể thông qua những phương án chi tiết mới chứng tỏ các lệnh trừng phạt hiện tại đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của phương Tây, John Lough, chuyên gia từ viện nghiên cứu Chatham House, trụ sở ở Anh, nhận định.
“Chúng ta đã sử dụng hết các lựa chọn ban đầu để gây áp lực lên nền kinh tế Nga và các lãnh đạo phương Tây đang nhận ra rằng họ có thể phải trả giá cho vòng trừng phạt tiếp theo”, ông nói thêm.
Theo John E. Smith, đối tác tại công ty luật Morrison & Foerster, cựu lãnh đạo Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, các thành viên G7 và đối tác của họ hiện phải quyết định một chiến lược nhất quán cho kịch bản cuộc đối đầu kinh tế với Nga tiếp tục kéo dài, đồng thời cảnh báo người dân về những hậu quả tiềm ẩn, như kịch bản phân phối khí đốt theo định mức tại những nước vẫn phụ thuộc nặng nề vào năng lượng Nga.
Chính phủ Đức tuần trước đã cảnh báo về nguy cơ thiếu khí đốt khiến các nhà máy phải đóng cửa và người dân có thể không nhận đủ nhiên liệu để sưởi ấm trong mùa đông.
“Nga đặt cược rằng họ sẽ chịu đựng được tổn hại kinh tế cao hơn mức mà Mỹ và châu Âu sẵn sàng chịu đựng”, Smith lưu ý.
“Gót chân Achilles” của các lệnh trừng phạt đối với dầu khí Nga là chúng chỉ phát huy tác dụng tối đa nếu hầu hết các nền kinh tế trên thế giới cùng tham gia. Nhưng kế hoạch trừng phạt xuất khẩu dầu Nga của phương Tây đã bị Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác từ chối, bởi vẫn muốn có thêm nguồn cung dầu giá rẻ. Bởi vậy, dù sản lượng xuất khẩu dầu sụt giảm, Nga vẫn có được nguồn thu kỷ lục từ năng lượng nhờ giá tăng cao.
Để mở rộng liên minh toàn cầu đối trọng với Nga, Đức đã mời lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Senegal và Argentina. Tuy nhiên, các khách mời tỏ ra không sẵn lòng cùng họ tăng áp lực trừng phạt với Nga, theo một số quan chức phương Tây am hiểu sự kiện.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói với người đồng cấp Đức rằng xung đột ở Ukraine đã gây tổn hại cho nền kinh tế của các nước đang phát triển trên toàn thế giới, nhưng Ấn Độ không thể tham gia bất kỳ nỗ lực nào chống lại Nga. Hai lãnh đạo gặp nhau vào chiều 27/6, khi chính phủ Ấn Độ công khai lên tiếng bảo vệ hoạt động mua dầu của nước này từ Nga.
Gustav Gressel, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, đánh giá các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng đang được G7 thảo luận phản ánh một thực tế là phương Tây muốn gây áp lực lên Nga về kinh tế hơn là quân sự.
“Nhưng Nga vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch của mình ở Ukraine, trừ khi bị đánh bại về mặt quân sự”, ông nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
- Quân đội Ukraine lộ điểm yếu trên chiến trường miền đông
- Khủng hoảng lương thực khiến phương Tây ‘chùn tay’ trước Nga
- Phương Tây nếm vị đắng từ lệnh trừng phạt Nga
Để lại một phản hồi