Trái phiếu của Tuấn Minh Group được chào mời với lãi suất cao |
Nở rộ chào mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao
Hai năm qua, nhiều nhà đầu tư phản ánh, họ liên tục nhận được lời mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của hệ sinh thái Tuấn Minh Group, lãi suất tới 12,9%/năm.
Theo ông T.C.H, sinh sống tại Royal City (Hà Nội), cuối tháng 5/2022, ông được một nhân viên của Tuấn Minh Group mời mua TPDN của Công ty cổ phần Quốc tế Ngàn phố (Ngàn phố Corp.) – thành viên của Tuấn Minh Group phát hành. Đây là lô trái phiếu phát hành riêng lẻ, có cam kết mua lại, tổ chức tư vấn phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán HDBS.
“Khi tôi từ chối và nói mình không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, người này cho biết, công ty sẽ có cách để thông qua công ty chứng khoán, làm hộ chứng nhận này miễn phí cho nhà đầu tư”, ông H. cho hay.
Theo ông H., em gái ông cũng được nhân viên công ty này mời góp vốn theo hình thức đầu tư, lãi suất 16-24%/năm cho kỳ hạn 12 – 36 tháng.
Trên trang web của Tuấn Minh Group, Ngàn phố Corp. được quảng cáo là đang phát triển dự án resort dưỡng lão đầu tiên tại Việt Nam với chuẩn 5 sao. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về dự án không được hé lộ.
Năm ngoái, Tập đoàn Vsetgroup bị phạt 600 triệu đồng vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, Công ty buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán.
Thế nhưng, một số doanh nghiệp phát hành vẫn ngang nhiên tìm cách chào bán trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, với sự tiếp tay của công ty chứng khoán.
Trong khi đó, tại nhiều ngân hàng thương mại, nhiều khách hàng tham gia gửi tiền đều được chào mua TPDN. Chị H.T (Quán Thánh, Hà Nội) cho biết, mới đây, khi đến gửi tiền tại Ngân hàng S. trên phố Cửa Bắc, chị được nhân viên ngân hàng này chào mua TPDN. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán lại ký với công ty chứng khoán T., ngân hàng chỉ đứng ra môi giới.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, ngân hàng và các công ty chứng khoán chính là thủ phạm khiến TPDN riêng lẻ bị phát hành sai đối tượng. Vì vậy, thay vì siết điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ, cơ quan chức năng nên chấn chỉnh hoạt động mua bán TPDN của các tổ chức trung gian này.
Chấn chỉnh các trung gian trên thị trường TPDN
TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, sở dĩ TPDN tăng trưởng nóng thời gian qua là do có sự tiếp tay của ngân hàng, công ty chứng khoán. Nhà đầu tư không bao giờ bỏ tiền mua TPDN của một nhà phát hành nhỏ, ít tiếng tăm, nếu bên bán không phải là ngân hàng, công ty chứng khoán.
“Tôi từng đến gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại và được nhân viên chào mua TPDN. Tuy nhiên, khi tôi hỏi doanh nghiệp phát hành là doanh nghiệp nào, xếp hạng tín nhiệm ra sao…, thì các cháu ậm ừ nhưng lại bồi thêm câu: ngân hàng cháu làm đại lý quản lý tất cả các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành. Nếu tôi không có kinh nghiệm trong ngành tài chính, thì chắc chắn thấy thế là ổn rồi. Tính mập mờ là ở đấy”, ông Hòe nhận xét.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2021, trên thị trường sơ cấp, các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính, mua lần lượt 37,87% và 34,47% tổng khối lượng phát hành; các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 5,39% tổng khối lượng phát hành. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, lượng nhà đầu tư cá nhân nắm giữ lên tới 30,1% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký.
Còn tính tới cuối quý I/2022, lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường sơ cấp chỉ nắm 9,5% lượng TPDN phát hành, ngân hàng và công ty chứng khoán nắm gần 60%. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, lượng nhà đầu tư cá nhân nắm giữ tới 33,82% theo báo cáo của các tổ chức lưu ký. Các công ty chứng khoán mua 18,4% trên thị trường sơ cấp, nhưng giảm còn 2,56% trên thị trường thứ cấp.
Nhìn về quy mô hệ thống của các công ty chứng khoán, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á khẳng định, năng lực của các công ty chứng khoán không đủ để “ôm” lượng TPDN nhiều như vậy nếu không có sự hỗ trợ từ ngân hàng. “Có một thực tế phổ biến là nhiều người dân đi gửi tiết kiệm được nhân viên ngân hàng mời mua trái phiếu với lãi suất cao. Đây là lỗ hổng cần chấn chỉnh trên thị trường”, ông Tuấn đề nghị.
Thời gian qua, NHNN đã thanh tra hoạt động đầu tư TPDN tại các ngân hàng. Trước đó, Bộ Tài chính cũng công bố sẽ thanh tra nhiều công ty chứng khoán, kiểm toán.
Sau sự cố trái phiếu Tân Hoàng Minh, phát hành TPDN 2 tháng qua giảm mạnh. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 8.996 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và chiếm 8,6% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 95.672 tỷ đồng, giảm 26,5% và chiếm khoảng 91,4% tổng giá trị phát hành.
Giới chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nên tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh đó, áp dụng xếp hạng tín nhiệm, minh bạch hóa thông tin, thay vì đưa ra thông điệp siết chặt hoạt động phát hành TPDN, tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.
– Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay hoàn toàn thiếu thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong khi thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vấn đề này cũng bao hàm trách nhiệm của các chủ thể liên quan như doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các công ty trung gian dịch vụ. Hiện hành lang pháp lý vẫn đang bỏ ngỏ điều kiện này, do đó, cần quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể, để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết.
Để lại một phản hồi