Có gì trong nhà máy SMT mà Shark Phú dùng để “chiêu dụ” startup Velasboost?

Shark Phú “chiêu dụ” Velasboost bằng hệ thống nhà máy khủng

Velasboost là startup phụ kiện công nghệ của Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ cho hệ sinh thái của điện thoại thông minh và máy tính với chất lượng cao và giá thành hợp lý. Startup này đã có 5 chứng chỉ MFi – chứng chỉ chất lượng được cấp bởi Apple, có tai nghe true wireless – tai nghe không dây đạt chuẩn APTX của Qualcomm.

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, Velasboost cho ra đời sản phẩm sạc nhanh đầu tiên và cho đến nay, startup này đã có 29 dòng sản phẩm, bán ra thị trường khoảng 24.500 đơn vị sản phẩm. Doanh thu tính từ tháng 4/2021 – tháng 4/2022 đạt 6 tỷ, lợi nhuận gộp khoảng 2 tỷ, lợi nhuận ròng khoảng 15%. Đến Shark Tank Việt Nam, Velasboost kêu gọi đầu tư 4,5 tỷ cho 15% cố phần.

Sản phẩm của Velasboost hiện đang được gia công tại Trung Quốc và được nhập về chính ngạch. Startup này cũng chấp nhận mở khuôn sản xuất có giá từ 50 – 100 triệu với các sản phẩm nhỏ. Các sản phẩm khác có bán trên thế giới được startup mua lại độc quyền ở Việt Nam. Lợi nhuận bán lẻ đạt 50 – 70% tùy loại sản phẩm.

Các Shark phân tích mô hình kinh doanh hiện tại của Velasboost khó có thể phát triển mạnh, mở rộng quy mô. Tuy vậy, Velasboost vẫn nhận được đề nghị đầu tư từ Shark Hùng Anh, Shark Liên và Shark Phú.

“Anh phân tích lợi thế của anh này. Bản thân anh đang có một nhà máy SMT, anh đầu tư khoảng 150 tỷ. Anh còn hệ sinh thái ép nhựa với khoảng 100 máy ép nhựa. Việc sourcing mẫu lạ thì các em vẫn làm bình thường nhưng cái mà anh đang muốn là có một đội ngũ R&D (Research & Development – Nghiên cứu và phát triển) sản phẩm, đi tìm kiếm nguồn các linh kiện và bán được vào các chuỗi điện máy”, Shark Phú phân tích thế mạnh của mình khi đề nghị đầu tư cho startup phụ kiện công nghệ Velasboost.

Có gì trong nhà máy SMT mà Shark Phú dùng để “chiêu dụ” startup Velasboost? - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy được đầu tư 150 tỷ của Shark Phú

Chủ tịch HĐQT Sunhouse nói tiếp: “Để có hệ sinh thái như của anh, khoản tiền nó rất lớn. Nhưng đổi lại em tạo ra mẫu thành công, em bán được tất cả các kênh thì doanh số rất lớn. Riêng cục sạc thôi một năm thị trường mình khoảng 5-7 triệu cái”.

Cuối cùng, Hải Vũ – nhà sáng lập và điều hành startup Velasboost thừa nhận cần nhà máy để có thể tự chủ sản xuất và chấp nhận đề nghị đầu tư 6 tỷ đổi lấy 50% cổ phần của Shark Phú.

Bước tiến quyết liệt của Sunhouse trong định hướng phát triển sản phẩm công nghệ cao

Nhà máy SMT được Shark Phú nhắc đến trong cuộc thương thảo với startup Velasboost chính là nhà máy vi mạch Narae Sunhouse System. Nhà máy này chính thức thuộc 100% vốn sở hữu của Sunhouse từ năm 2019, được đầu tư với kỳ vọng làm chủ công nghệ lõi, từ đó chủ động hơn trong việc xây dựng tiêu chuẩn và giám sát tiêu chuẩn sản phẩm, linh kiện, thiết bị mạch điện tử công nghệ cao cho các đối tác lớn cũng như phục vụ nhu cầu sản xuất của Sunhouse.

Nhà máy Narae được ứng dụng dây chuyền và công nghệ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, được xây dựng theo tiêu chuẩn nhà cung cấp cấp 1 của Samsung. Địa điểm đặt nhà máy, hệ thống máy móc, công nghệ phòng sạch, phòng lưu trữ, đội ngũ nhân sự quản lý… được Sunhouse đầu tư mạnh mẽ nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra và đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh.

Có gì trong nhà máy SMT mà Shark Phú dùng để “chiêu dụ” startup Velasboost? - Ảnh 2.

Với nhà máy vi mạch Narae, Sunhouse tham vọng nâng tầm thương hiệu và mở rộng xuất khẩu

Nhà máy Narae được phát triển qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thiết lập 5 line SMT, với tổng giá trị đầu tư cho máy móc, nhà xưởng, kỹ sư… lên tới 150 tỷ đồng. Chỉ riêng phục vụ cho các sản phẩm gia dụng thông minh của Sunhouse, nhà máy đáp ứng công suất 15 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến đến năm 2025, Sunhouse sẽ đầu tư gấp đôi công suất để mở rộng năng lực, đáp ứng nhiều hơn nữa cho các đối tác bên ngoài.

Bước đi này của Sunhouse thể hiện sự quyết liệt trong việc phát triển sản phẩm công nghệ cao nhằm nâng tầm thương hiệu nội địa và vươn ra thị trường quốc tế, mở rộng xuất khẩu đa dạng sản phẩm.

Đối tác cung cấp mạch điện tử cho các công ty lớn

Với hàm lượng công nghệ cao, nhà máy Narae Sunhouse System đã hợp tác thành công với nhiều công ty lớn như: Anker, Dreamteck Vina, ITM Semiconductor Vietnam… Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu sẽ trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của những thương hiệu toàn cầu như Samsung, LG và là khách hàng của các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu.

Có gì trong nhà máy SMT mà Shark Phú dùng để “chiêu dụ” startup Velasboost? - Ảnh 3.

Sunhouse đã trở thành đối tác gia công bản mạnh điện tử của nhiều công ty lớn

Dưới góc độ phục vụ nhu cầu sản xuất của hệ sinh thái Sunhouse, mỗi năm bản mạch điện tử của Narae đã được ứng dụng trong 15 triệu sản phẩm pin, sạc dự phòng, máy lọc nước R.O, điều hòa không khí và nhiều sản phẩm gia dụng khác.

Một đại diện Sunhouse cho biết, việc đầu tư lớn để xây dựng bộ quy chuẩn sản xuất cho nhà máy vi mạch Narae nằm trong chiến lược phát triển dài hơi của Sunhouse. Chỉ khi đồng bộ các lĩnh vực sản xuất, hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, làm chủ công nghệ lõi, Sunhouse mới có được những bước tiến vững chắc trong tương lai.

Xem lại màn chiêu dụ startup Valasboost của Shark Phú tại: https://youtu.be/-KNYfS9-C5E

https://babfx.com/co-gi-trong-nha-may-smt-ma-shark-phu-dung-de-chieu-du-startup-velasboost-20220706183913233.chn

Ánh Dương

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*