Giá heo hơi tăng mạnh từ cuối tháng 6
Giá heo hơi trong quý II gần như đi ngang trong vùng giá 53.000 – 57.000 đồng/kg và giảm 15-18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 6 có dấu hiệu đảo chiều tăng trở lại.
Tính đến 12/7, giá heo hơi ghi nhận tăng mạnh lên vùng 70.000 đồng/kg. Theo báo cáo của Anova Feed, giá heo hơi ngày 12/7 ở mức 70.000 đồng/kg ở nhiều tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình. Các tỉnh, thành còn lại dao động khoảng 58.000 – 64.000 đồng/kg. Người dân có hiện tượng giữ heo chờ tăng giá mới.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, anh T.Đức, chủ 2 trang trại nuôi heo gia công cho C.P Việt Nam quy mô 2.400 con cho biết giá heo tăng thời gian qua do bị dồn nén khá lâu và Trung Quốc mở cửa nên thương lái gom hàng để xuất sang.
Giá thịt heo tại Trung Quốc đã tăng mạnh từ tháng 6 do các cơn bão và lụt xảy ra tại miền Nam Trung Quốc. Đồng thời, tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát ở quốc gia đông dân nhất thế giới này khiến nhu cầu thịt heo tăng mạnh trở lại. Theo AgroMonitor, giá thịt heo hơi bình quân cả nước tại Trung Quốc ngày 12/7 đạt 80.300 đồng/kg, tăng 23% so với cuối tháng 6.
Trước bối cảnh này, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo ghi nhận đà phục hồi tốt. Từ 22/6, giá cổ phiếu Dabaco ( HoSE: DBC ) tăng mạnh từ vùng 16.500 đồng/cp lên 27.800 đồng/cp, tức tăng 70,6% trong vòng chưa đầy 1 tháng. Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai ( HoSE: HAG ) tăng từ vùng 7.000 đồng/cp lên 11.050 đồng/cp, BAF của Nông nghiệp BaF Việt Nam ( HoSE: BAF ) tăng từ 30.150 đồng/cp lên 37.750 đồng/cp, MLS của Chăn nuôi – Mitraco ( UPCoM: MLS ) tăng từ 13.700 đồng/cp lên 24.000 đồng/cp.
Nguồn: TradingView
Doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phục hồi trong nửa cuối năm
Theo SSI Research, trong quý I, hầu hết các công ty trong ngành chăn nuôi đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan, biên lợi nhuận thu hẹp do chi phí tăng. Cụ thể, Dabaco công bố doanh thu thuần tăng 13% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng giảm 98%. Mảng chăn nuôi của Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) ghi nhận lỗ và doanh thu giảm 28%. Nông nghiệp BAF Việt Nam công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm lần lượt là 38% và 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II, mặc dù nền kinh tế mở cửa, trường học, nhà máy, nhà hàng và các hoạt động du lịch mở cửa lại hoàn toàn nhưng nhu cầu chưa tăng mạnh. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy mức tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam đã giảm trước dịch Covid-19, từ 31,4kg/đầu người trong năm 2018 xuống còn 26,8kg/người trong năm 2022 (dự báo). Trong khi đó, với tổng số 28,2 triệu con heo dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn heo hơi trong năm nay, nguồn cung heo hơi khó có thể thiếu hụt.
|
Do vậy, SSI Research dự báo giá heo hơi sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết, đạt khoảng 65.000-70.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022, tăng 30% so với nền thấp cùng kỳ.
Giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành tăng lần lượt 26%, 18% và 25% so với đầu năm. Chi phí thức ăn đã tăng 20% so với đầu năm, không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng đến các trang trại thương mại vì thức ăn chiếm 75% tổng chi phí chăn nuôi. Mặc dù chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với lúa mì và ngô kể từ tháng 12/2021, nhưng vẫn không đủ để giữ lạm phát ở mức thấp trước những thách thức do xung đột Nga-Ukraine gây ra. Chi phí chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện nay, giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành đã giảm lần lượt 7%, 30% và 8% so với mức đỉnh. SSI Research ước tính chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong quý IV. Như vậy, chi phí chăn nuôi sẽ giảm, trong khi giá heo hơi dự kiến tăng chậm đến cuối năm giúp các công ty chăn nuôi bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022.
Để lại một phản hồi