Cú “đảo chiều” của các Ngân hàng trung ương: Một thập kỷ nới lỏng định lượng vừa chấm dứt

Tháng 6 vừa qua không phải là một tháng tuyệt vời để trở thành nhà quản lý quỹ.

Chứng khoán toàn cầu đã giảm 8,8%, mức giảm lớn thứ hai trong một thập kỷ. Trong khi đó, trái phiếu hướng tới năm tồi tệ nhất kể từ năm 1865.

Những “cơn gió ngược” xuất phát từ nhiều hướng – đầu tiên là sự tăng nhanh của lãi suất, sau đó là sự gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái ở Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng một yếu tố khác cũng đang xảy ra: ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã loại bỏ mạng lưới an toàn của mình.

Kể từ năm 2008, các nhà quản lý quỹ trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu và mọi thứ liên quan đều biết rằng bên cạnh họ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mua nợ như một phần của chương trình hỗ trợ kinh tế bắt đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Khi Covid tấn công, Fed đã cải tiến cái gọi là kế hoạch nới lỏng định lượng này để giải cứu thị trường khỏi bờ vực của thảm hoạ, giúp thúc đẩy một đợt tăng giá “khổng lồ” của mọi thứ từ trái phiếu chính phủ đến tiền số.

Tuy nhiên, hiện nay, lạm phát tăng cao đã khiến các nhà hoạch định chính sách phải quyết liệt tăng lãi suất. Đổi lại, điều này đã khiến họ phải cắt giảm lượng tài sản khổng lồ của mình – một quá trình mà Fed đã khởi động vào đầu tháng trước.

Cú đảo chiều của các Ngân hàng trung ương: Một thập kỷ nới lỏng định lượng vừa chấm dứt, sóng gió có ập tới với nhà đầu tư? - Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương Anh, cùng với ECB và Fed có kế hoạch ngừng tài đầu tư tài sản đáo hạn © Hollie Adams/Bloomberg

Cùng với Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Fed có kế hoạch trước tiên là ngừng tái đầu tư vào các tài sản đáo hạn, và một số nhà kinh tế cho rằng cuối cùng họ có thể bán thẳng một số thứ trên sổ sách của mình. Theo dự đoán tổng cộng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ sụt giảm khoảng 4.000 tỷ USD vào cuối năm tới, theo ước tính từ Morgan Stanley.

Cú đảo chiều hiện đang diễn ra tốt đẹp: chỉ trong tuần trước, bảng cân đối kế toán của Fed đã giảm khoảng 20 tỷ USD. Và các nhà đầu tư nói rằng điều này bắt đầu gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường.

“Tính thanh khoản được thúc đẩy bởi các ngân hàng trung ương”, Guilhem Savry, người làm việc tại quỹ quản lý tài sản Unigestion (Thuỵ Sĩ) cho biết. “Trong 10 năm qua đã có thanh khoản lớn ở Mỹ và mọi nơi khác, và giờ các nhà đầu tư biết rằng nó đã kết thúc. Đã qua rồi.”

Kết quả là, việc thực hiện các giao dịch ngày càng trở nên khó khăn hơn, Savry nói, và “bữa tiệc” dành cho các chiến lược đầu cơ đã chấm dứt. Không chỉ dừng lại ở đó, giống như hầu hết các nhà đầu tư khác, Savry cho biết ông không hề có khái niệm rõ ràng nào về việc thắt chặt định lượng (QE) – tên gọi tắt của quá trình cắt giảm bảng cân đối kế toán – sẽ ảnh hưởng đến thị trường như thế nào.

“Chúng tôi chưa thấy tác động đầy đủ. Chúng tôi không biết chi tiết đầy đủ,” ông nói. “Nhưng chúng tôi biết hướng đi của chính sách và sẽ có những tác động tiêu cực.”

Thời điểm tốt nhất và tồi tệ nhất

Kỷ nguyên mua tài sản của ngân hàng trung ương bắt đầu vào năm 2001, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra chính sách chưa có tiền lệ nhằm kích thích nền kinh tế đang suy yếu của đất nước trong khi lãi suất chuẩn đã gần bằng 0.

Từ chỗ là “phần rìa” của bộ công cụ chính sách tiền tệ, nới lỏng định lượng đã trở thành xu hướng chủ đạo vào năm 2008, khi Fed, BoE và sau đó là ECB thiết lập các chương trình mua trái phiếu của riêng họ để đối phó với cuộc khủng hoảng đã nhấn chìm hệ thống tài chính toàn cầu.

Thông qua việc mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn, các ngân hàng trung ương đã giúp đẩy mạnh lượng dự trữ xung quanh hệ thống tài chính. Mục đích là khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay các hộ gia đình và doanh nghiệp ở mức độ khuyến khích chi tiêu, đầu tư và các hoạt động khác để giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương bắt đầu thu hẹp

Cú đảo chiều của các Ngân hàng trung ương: Một thập kỷ nới lỏng định lượng vừa chấm dứt, sóng gió có ập tới với nhà đầu tư? - Ảnh 2.

Nguồn: Refinitiv, Morgan Stanley

Một số nhà kinh tế luôn tỏ ra khó chịu với QE vì nhiều lý do, bao gồm lo ngại rằng nó dẫn đến việc các ngân hàng trung ương có dấu ấn quá lớn trên thị trường tài chính, có khả năng làm sai lệch quá trình định giá tài sản.

Nhưng sự nghiêm trọng của tác động kinh tế từ sự bùng nổ của đại dịch Covid vào năm 2020 đã vượt trội hơn bất kỳ mối lo ngại nào. Fed bắt đầu mua không giới hạn chứng khoán Kho bạc và các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS), và lần đầu tiên mua vào các công cụ nợ cho phép mua trái phiếu doanh nghiệp và nợ chính quyền địa phương.

Sự gia tăng về quy mô và phạm vi của QE vào năm 2020 so với năm 2008 là “hoàn toàn điên rồ”, Tajana Puhan, phó giám đốc đầu tư tại Tobam, tập đoàn quản lý tài sản ở Pháp, cho biết. Trong vòng hai năm, Fed đã mua khoảng 3.300 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và 1.300 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Tính đến tháng 3, Fed sở hữu 25% tổng dư nợ trái phiếu kho bạc.

ECB và BoE mỗi bên chỉ sở hữu 40% trái phiếu chính phủ của họ, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, vốn là NHTW duy nhất không có ý định ngừng mua, đã sở hữu gần một nửa số nợ chính phủ chưa thanh toán của Tokyo.

Cùng với việc mở rộng cơ sở tiền tệ, việc các NHTW hoạt động quá mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng đẩy các nhà đầu tư thương mại ra khỏi các tài sản an toàn nhất trên thế giới và buộc họ phải hỗ trợ các thành phần rủi ro hơn, có thể gặp khó khăn của nền kinh tế.

Cú đảo chiều của các Ngân hàng trung ương: Một thập kỷ nới lỏng định lượng vừa chấm dứt, sóng gió có ập tới với nhà đầu tư? - Ảnh 3.

Trụ sở chính của ECB tại Frankfurt, Đức. ECB và BoE mỗi bên chỉ sở hữu 40% trái phiếu chính phủ của họ © Wolfgang Rattay/Reuters

Nhưng hơn một thập kỷ QE được triển khai rầm rộ trên toàn cầu đã viết lại các quy tắc dành cho các nhà đầu tư thuộc mọi loại hình. Trong khi các ngân hàng trung ương đã giúp tăng giá trái phiếu và ép lợi suất của chúng xuống 0, hoặc thậm chí thấp hơn, các nhà quản lý quỹ đã bị đẩy vào việc chấp nhận rủi ro lớn hơn bao giờ hết để mang lại lợi nhuận mà các nhà đầu tư cuối cùng của họ mong đợi.

“Đó là thời điểm tuyệt vời nhất và cũng là thời điểm tồi tệ nhất đối với các nhà quản lý quỹ,” David Riley, chiến lược gia đầu tư chính tại Bluebay Asset Management ở London, cho biết. “Thật khó để bùng nổ. Một số ít đã làm được, nhưng bạn phải làm việc chăm chỉ. Trên thị trường tín dụng đã có một cuộc tìm kiếm lợi nhuận không ngừng nghỉ. Bạn nhìn vào trái phiếu của 1 doanh nghiệp và mua nó bởi vì ECB sẽ mua nó, ngay cả khi các nhà phân tích tư vấn cho bạn rằng những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đó không hề ổn.

Điều này đã làm giảm năng lực của nhiều nhà đầu tư trong việc đánh giá giá trị thực của các cổ phiếu và trái phiếu, Bob Almeida, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại MFS Investment Management, cho biết.

“Một trong những mục đích của thị trường tài chính là định giá rủi ro và theo đó phân bổ nguồn lực cho phù hợp,” ông nói. “Nhưng chúng tôi không còn định giá rủi ro nữa.”

Tham khảo Financial Times

Bloomberg: Chạy đua tăng lãi suất trước áp lực lạm phát, các NHTW đang khiến kinh tế toàn cầu phải trả giá đắt

https://babfx.com/cu-dao-chieu-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-mot-thap-ky-noi-long-dinh-luong-vua-cham-dut-song-gio-co-ap-toi-voi-nha-dau-tu-20220718112404861.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*