Dân Mỹ thỏa sức vung tiền ở châu Âu khi đồng euro rớt giá: Bay 24 giờ chỉ để mua 1 chiếc túi

Tuần trước, đồng euro đã giao dịch ngang bằng với USD. Theo đó, đồng tiền chung châu Âu đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002, khi giá trị của đồng euro giảm 15% so với USD trong năm qua.

Đối với nhà đầu tư, cột mốc này đánh dấu đà sụt giảm kéo dài nhiều tháng của đồng euro, khi bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về mâu thuẫn ở Ukraine cùng những vấn đề ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, nền kinh tế châu Âu. Song, đối với người Mỹ, đây lại là cơ hội để họ đi du lịch khắp châu Âu và mua sắm thỏa thích.

Theo WSJ, nhiều khách du lịch Mỹ đã mạnh tay chi tiền để mua các mặt hàng xa xỉ, rượu vang đắt tiền và thuê phòng nghỉ cao cấp ở châu Âu. Một số chia sẻ rằng họ đang lên kế hoạch tiếp tục du lịch nước ngoài với khoản tiền tiết kiệm từ trước. Du lịch đến châu Âu cũng giúp người Mỹ có thời gian nghỉ ngơi trước áp lực lạm phát, khi giá USD cao hơn cũng giúp bù đắp cho chi phí đắt đỏ ở châu Âu.

Shannon Mains và chồng gần đây có chuyến du lịch châu Âu kéo dài 1 tháng. Họ đã mua vé tàu Orient Express nổi tiếng khi di chuyển từ Pháp đến Ý với hạng phòng đôi có giá khởi điểm là 3.600 USD/người. Cặp đôi đã chi tổng số tiền khoảng 1.000 USD cho lượt đi trên vì Shannon nhận được ưu đãi trải nghiệm nhờ công việc của mình.

Dân Mỹ thỏa sức vung tiền ở châu Âu khi đồng euro rớt giá: Bay 24 giờ chỉ để mua 1 chiếc túi - Ảnh 1.

Shannon Mains và chồng.

Vợ chồng Mains đến Disneyland ở Paris và nghỉ ngơi tại khách sạn trong khu vui chơi này. Họ cũng chi tiền cho một tour thưởng thức rượu vang và đạp xe ở vùng Burgundy của Pháp. Shannon cũng mua đồ trang sức và phụ kiện tại một cửa hàng Gucci ở Ý.

Ngoài ra, việc đồng euro rớt giá cũng giúp họ có những trải nghiệm nhỏ và vui vẻ hơn. Một vài buổi tối, họ đặt rượu vang trong khách sạn và cùng nhau thưởng thức, ngắm cảnh ban đêm. Ở những chuyến đi trước đây, họ chỉ mua những chai rượu giá rẻ khoảng 3-4 euro, nhưng lần này họ không ngại chi tiền cho loại rượu đắt tiền hơn.

Shannon chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi luôn có kế hoạch tiết kiệm khi đi du lịch. Hiện tại, chúng tôi có thể quyết định mua gì mình muốn.”

Alyssa Brown – nhà nghiên cứu ngành thiết kế 26 tuổi, đã bay từ Chicago đến Paris chỉ để mua một chiếc túi Saint Laurent mà cô đã “để mắt” từ lâu.

Dân Mỹ thỏa sức vung tiền ở châu Âu khi đồng euro rớt giá: Bay 24 giờ chỉ để mua 1 chiếc túi - Ảnh 2.

Alyssa Brown.

Khi đồng USD tăng giá so với euro, Brown đã bay đến Paris vào tháng 4 với chuyến bay ưu đãi vì cô là nhân sự ngành hàng không. Tại kinh đô thời trang, cô đã trả 1.833 USD cho một chiếc túi Saint Laurent Sunset cỡ vừa, thấp hơn khoảng 700 USD so với mức giá niêm yết 2.550 USD ở Chicago.

Nhìn chung, khách du lịch từ Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn ở châu Âu trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2019, với chênh lệch là 56%, theo nhà cung cấp dịch vụ hoàn thuế VAT Planet. Richemont – công ty mẹ của Cartier và Vacheron Constantin, ghi nhận doanh số bán hàng ở châu Âu tăng 42% trong quý II. Công ty giải thích, nhu cầu trong nước và khách du lịch từ Mỹ và Trung Đông quay trở lại là động lực.

Tỷ giá EUR/USD hấp dẫn hơn đối với người Mỹ giúp họ né tránh một số loại chi phí thường có khi đi du lịch, chẳng hạn như giá phòng khách sạn tăng. Giá trung bình 1 đêm cho 1 phòng khách sạn ở châu Âu là 154,41 euro trong khoảng thời gian 28 ngày kết thúc vào ngày 9/7, cao hơn khoảng 44% so với năm ngoái, theo dữ liệu của công ty phân tích STR

Jennifer Baum – giám đốc tiếp thị làm việc ở New York, gần đây đã đến Amsterdam và Copenhagen để thăm con trai đang du học ở châu Âu. Khi đặt phòng khách sạn, Baum nhận thấy giá cao hơn dự tính. Tuy nhiên, vì đồng USD tăng giá so với euro và krone Đan Mạch, cô lại thấy mình nhận được “món hời” trong chuyến đi này.

Kristen Taylor chia sẻ bà đã sẵn sàng trở lại châu Âu dù vừa mới trở về. Giáo viên trung học đã nghỉ hưu chia sẻ bà đã có chuyến du lịch 11 ngày tại 5 quốc gia, bắt đầu ở Paris và kết thúc ở Vienna. Bữa trưa, bữa tối và các hoạt động đều đã bao gồm trong tour du lịch của hãng tổ chức các chuyến công tác ngành giáo dục – EF Tours.

Taylor chia sẻ, bà đã có trải nghiệm mua sắm thoải mái hơn khi đến thăm châu Âu. Ở Paris, bà có cơ hội dùng thử món ăn làm từ ốc sên (escargot). Khi đến Fragonard – hãng nước hoa nổi tiếng, Taylor không ngần ngại mua một mùi hương mình yêu thích. Còn tại Cung điện Nymphenburg, bà mua một chiếc vòng cổ bằng sứ.

Tháng 9 tới, Taylor cũng có một chuyến đi 10 ngày đến Rome và cân nhắc về một kỳ nghỉ nữa vào cuối năm nay. Bà chia sẻ: “Một trong những điều tôi yêu thích là dành 1 tuần ở Paris và chỉ đi thăm các bảo tàng.”

Madeline Sadlowski – 26 tuổi, đã bay đến Ý và dành tuần trăng mật ở Rome, Tuscany và Capri. Cô và chồng thậm chí còn không theo dõi tỷ giá EUR/USD trước khi đến và chỉ biết tình hình giá cả khi đến nơi. Trong chuyến đi, Madeline đã tìm mua một chiếc túi xách hạng sang mà chồng cô hứa sẽ tặng làm quà sau đám cưới. Cuối cùng, cô đã mua một chiếc túi Bulgari với giá 2.700 USD, trong khi được niêm yết 4.000 USD trên trang web của hãng.

Ngoài chiếc túi này, vợ chồng Madeline còn mua thêm những món đồ như rượu hạng sang và dép Hermes – những thứ mà ban đầu họ không có kế hoạch mua. Cô chia sẻ: “Thật khó để cưỡng lại khi tỷ giá lại tốt đến vậy.”

Tham khảo WSJ

Nắng nóng đỉnh điểm ở Anh: Các loại quạt ‘cháy hàng’, người dân kéo nhau ra đường tránh nóng vì ‘nhà không cần lắp điều hòa’

https://babfx.com/dan-my-thoa-suc-vung-tien-o-chau-au-khi-dong-euro-rot-gia-bay-24-gio-chi-de-mua-1-chiec-tui-20220719163448182.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*