Dòng xe container kẹt cứng trên cầu Phú Mỹ để vào cảng Cát Lái |
Dự án trọng điểm xếp hàng chờ đến lượt
Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây tiếp tục diễn ra nghiêm trọng hơn. Tại cầu Phú Mỹ, một phần mặt cầu bị rào chắn để sửa chữa đến tháng 10/2022, nên mỗi ngày, hàng trăm xe container nối đuôi nhau nhích từng chút một để di chuyển từ quận 7 về TP. Thủ Đức. Tại nút giao An Phú dẫn vào đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tình trạng ùn tắc không chỉ diễn ra trong các ngày lễ tết, mà vào cả ngày thường và vào giờ không cao điểm.
Hiện nay, việc kết nối TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thông qua 5 tuyến quốc lộ, gồm Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K. Trong số đó, có đến 3 tuyến chưa được mở rộng và thường xuyên xảy ra ùn tắc, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Trước đây, TP.HCM đã lên kế hoạch mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13 bằng hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Tuy nhiên, kể từ khi các dự án BOT phải tạm dừng theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dự án này bị đình trệ và chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách.
Ngoài các dự án trên, các nút giao An Phú, các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái, 3 đoạn còn lại của tuyến đường vành đai 2 cũng đang gặp ách tắc và chưa thể khởi công vì chưa có vốn.
Cập nhật tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết, khi hình thức BOT và BT tạm dừng thực hiện, các dự án được chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Năm 2022, ngân sách chỉ bố trí được để khởi công dự án Quốc lộ 50 và nút giao An Phú (dự kiến khởi công vào quý IV năm nay).
Các dự án còn lại vẫn phải chờ vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do số vốn đầu tư rất lớn, nên ngân sách chưa thể bố trí để làm cùng một lúc. Đơn cử như dự án đường vành đai 2, thì 3 đoạn còn lại dài hơn 11 km có số tiền đầu tư lên đến hơn 28.000 tỷ đồng, trong đó số tiền đền bù giải phóng mặt bằng 18.000 tỷ đồng.
Nghiên cứu phát hành trái phiếu, đấu giá đất để đầu tư hạ tầng
Việc TP.HCM chậm trễ mở rộng các tuyến đường trọng điểm đang gây ra bức xúc và làm thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC than phiền về tình hình ùn tắc gần đây ở Cầu Phú Mỹ đã khiến doanh nghiệp giao hàng trễ và bị khách hàng phàn nàn rất nhiều.
“Chúng tôi phải đóng phí hạ tầng rất cao, nhưng vẫn phải chịu đựng cảnh kẹt xe. Cộng thêm tác động từ giá xăng dầu lên cao, doanh nghiệp chịu thiệt đơn, thiệt kép. Có những thiệt hại như xăng dầu có thể đo đếm được, còn thiệt hại về thời gian giao hàng trễ, mất uy tín thì không gì đo đếm được”, ông Điệp bức xúc.
Trước bức xúc của doanh nghiệp, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM hôm 12/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị TP.HCM cung cấp số liệu về thiệt hại do ùn tắc giao thông gây ra. Trả lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết, TP.HCM đã nghiên cứu về tác động của ùn tắc giao thông với ước thiệt hại khoảng 6 tỷ USD mỗi năm.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của Thành phố giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng. Số vốn cần để đầu tư rất lớn, nhưng theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Còn giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách.
Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết, ngoài số vốn từ ngân sách, Thành phố đang thu phí hạ tầng cảng biển, nghiên cứu có thể phát hành trái phiếu địa phương và đấu giá đất hai bên đường để có vốn làm hạ tầng.
Để lại một phản hồi