Wolfgang Hubschle, cố vấn kinh tế chính quyền thành phố Augsburg ở bang Bavaria, Đức giờ đây trở thành một trong những người tiên phong trong “cuộc chiến khí đốt” với Nga. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt, do lo ngại Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.
Không nơi nào nỗi sợ đó lớn hơn ở Đức, nơi tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất châu Âu. Với hơn một nửa nguồn cung đến từ Moskva trước xung đột, khí đốt giá rẻ của Nga là nền tảng cho ngành công nghiệp hùng mạnh của Đức. Giới chức Đức thậm chí từng lên kế hoạch tăng gấp đôi nguồn cung bằng đường ống Nord Stream 2, nhưng dự án đã bị đình chỉ sau khi xung đột Ukraine nổ ra.
Thành phố Augsburg hiện là một trong những nơi đi đầu trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng của Đức. Hubschle tin rằng những nỗ lực của Đức, cũng như nhiều nơi khác trên khắp châu Âu, không chỉ giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn về năng lượng, mà còn có thể ngăn Nga sử dụng khí đốt như một loại vũ khí gây sức ép vào mùa đông.
“Nếu Tổng thống Vladimir Putin nhận thấy có thể làm tổn thương các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ông ấy sẽ không ngần ngại cắt nguồn cung khí đốt. Nhưng nếu nhận ra ảnh hưởng của nó không quá lớn, ông ấy sẽ chọn tiếp tục bán khí đốt để tăng doanh thu, thay vì cắt nguồn cung”, Hubschle nhận định.
Khoảng một nửa hộ gia đình ở Đức được sưởi ấm bằng khí đốt, trong khi ngành công nghiệp tiêu thụ 1/3 nguồn năng lượng này. Nếu mùa đông tới trở nên lạnh hơn, việc nguồn cung khí đốt bị cắt sẽ gây tác động rất nghiêm trọng.
Nhưng thời tiết mùa đông và tính toán của Moskva đều rất khó đoán. Các nhà kinh tế cũng khó có thể đánh giá được liệu nguồn cung khí đốt bị cắt có thể khiến kinh tế Đức đối mặt suy thoái ở mức 3% hay 20%.
Nhưng điều mà Hubschle biết rõ là với giá năng lượng tăng vọt, chi phí của thành phố Augsburg đã tăng 80%, khoảng 11 triệu euro. Giới chức đang cố tìm cách để khiến người dân không phải gánh chịu chi phí này.
Thị trưởng Augsburg Eva Weber thậm chí đã yêu cầu ngừng vận hành hoặc hạn chế giờ hoạt động của nhiều đài phun nước có liên kết với hệ thống quản lý nước 800 năm tuổi của thành phố.
Những sáng kiến này được đưa ra sau nhiều tháng được thúc đẩy bởi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, người đã thực hiện nhiều bước đi khó khăn đối với một chính trị gia đảng Xanh, như mở lại các nhà máy nhiệt điện và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như ký các hợp đồng mua LNG từ Qatar và Mỹ.
Trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, ông Habeck đã khuyên người Đức thay đổi thói quen hàng ngày, trong nỗ lực cùng đất nước đạt mục tiêu tiết kiệm 20% năng lượng.
“Nếu bạn nghĩ việc thay đổi vòi sen hay giảm nhiệt độ máy sưởi không tạo ra điều gì khác biệt, bạn đang tự lừa dối chính mình. Đó chỉ là cái cớ để không làm gì cả”, ông Habeck nói.
Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết tăng trợ cấp nhà ở và đảm bảo người thuê nhà không bị đuổi vì nợ hóa đơn năng lượng. Tuần này, Munich công bố “khoản thưởng năng lượng” trị giá 100 euro cho các hộ gia đình cắt giảm 20% lượng tiêu thụ hàng năm, trong khi các công ty điện lực phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng cho khách hàng vào mùa thu này.
Hiệp hội Năng lượng và Nước cho biết Đức đang sử dụng khí đốt ít hơn gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xu hướng mà họ cho là một phần do giá năng lượng tăng kỷ lục. Chi phí sẽ tăng thêm vào đầu tháng 10, khi chính phủ áp dụng chính sách tính phụ phí khí đốt.
Ở nhiều thành phố Đức, quạt sưởi và lò sưởi đốt gỗ đã “cháy hàng”, trong khi những người đặt mua hệ thống pin năng lượng mặt trời mini để cung cấp điện cho các thiết bị gia đình sẽ phải chờ khá lâu.
Claudia Kemfert, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, cho biết những nỗ lực tiết kiệm như vậy rất quan trọng, nhưng lo rằng chính phủ đang quá tập trung vào kêu gọi người dân giảm sử dụng năng lượng, mà không có hành động mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp.
Các công ty thường chỉ cắt giảm tiêu thụ khí đốt khi không còn lựa chọn nào khác. Hãng sản xuất ôtô Mercedes-Benz hôm 27/7 cho biết đã giảm 10% lượng khí đốt tiêu thụ và có thể tăng mức tiết kiệm tới 50%, dù vẫn duy trì hoạt động đầy đủ.
Tuy nhiên, các quan chức thành phố Augsburg cho biết họ chưa thể kết luận các biện pháp tiết kiệm năng lượng có thể hiệu quả đến đâu cho đến khi có thêm dữ liệu.
Tại Munich, thủ phủ bang Bavaria ở phía nam và là trung tâm công nghiệp Đức, Phó thị trưởng Katrin Habenschade tỏ ra hoài nghi.
“Thành thật mà nói tôi không tin rằng kết quả cho những nỗ lực tiết kiệm năng lượng sẽ cao như mong đợi. Tôi tin rằng chúng tôi cần có thêm các giải pháp khác”, bà nói.
Là Phó thị trưởng chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề kinh tế, bà đã giúp thành phố xác định mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt với các công ty, nhà máy. Nhiều doanh nghiệp trong thành phố đang cố đưa ra nhiều lý do để không phải cắt giảm sử dụng khí đốt.
Bavaria là bang được đặc biệt quan tâm, bởi có nhiều tập đoàn có vai trò quan trọng với nền công nghiệp Đức, như BMW và Siemens. Tuy nhiên, chính quyền bang không muốn gây nhiều sức ép với các doanh nghiệp để họ cắt giảm tiêu thụ khí đốt và tăng cường chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Bà Habenschade cho rằng sự lưỡng lự này khiến Bavaria đặc biệt dễ tổn thương trong “cuộc chiến khí đốt” với Nga.
Tại thành phố Augsburg và Munich thuộc bang Bavaria, các viên chức chính quyền được yêu cầu đưa ra những sáng kiến mới về tiết kiệm năng lượng. Sau khi một viên chức ở Augsburg chỉ ra hai trung tâm dữ liệu của thành phố là nơi tiêu tốn nhiều năng lượng, chính quyền địa phương đang xem xét liệu có thể cho ngừng hoạt động một cơ sở hay không.
Nhiều lãnh đạo địa phương cũng đang đánh giá lại những hoạt động truyền thống tiêu thụ nhiều năng lượng của Đức như lễ hội bia hay chợ Giáng sinh. Ông Hubschle cho rằng Bavaria nên đóng cửa các nhà máy bia nổi tiếng để ngăn kịch bản ngành công nghiệp hóa chất của họ đối mặt tình trạng thiếu khí đốt.
Rosi Steinberger, nghị sĩ quốc hội vùng Bavaria, đã tắt gần hết đèn trong văn phòng làm việc để cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Bà đang tranh luận về việc có nên đề xuất hủy lễ hội bia nổi tiếng Oktoberfest hay không, do quyết định này chắc chắn sẽ hứng chịu làn sóng phẫn nộ của người dân Munich. Lễ hội bia dự kiến được tổ chức lại vào mùa thu năm nay, sau hai năm tạm dừng vì đại dịch.
“Tôi chưa đưa ra đề xuất đó”, bà nói với vẻ căng thẳng trên khuôn mặt. “Nhưng khi mọi người nói rằng không nên có vùng cấm trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng, hủy lễ hội bia là phương án cần tính tới”.
Thanh Tâm (Theo NY Times)
- Châu Âu lộ điểm yếu trước đòn khí đốt của Nga
- EU thắt lưng buộc bụng khí đốt thế nào?
- 5 tháng ‘chiến tranh khí đốt’ Nga – châu Âu tăng nhiệt
- Nắng nóng giáng đòn vào khủng hoảng khí đốt châu Âu
Để lại một phản hồi