Đức nói Ukraine sẽ không được đảm bảo an ninh như nước NATO

“Chúng tôi đang thảo luận với các nước thân thiết về những đảm bảo an ninh mà chúng tôi có thể đưa ra. Đây là quá trình đang diễn ra”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với đài truyền hình ARD hôm 3/7, đề cập về các biện pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi kết thúc xung đột tại nước này.

Thủ tướng Đức không nói rõ những đảm bảo an ninh mà nước này và các đồng minh có thể dành cho Ukraine, nhưng cho biết các biện pháp đó sẽ không giống cách thức bảo vệ với các thành viên NATO.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời phỏng vấn với đài truyền hình ARD tại Berlin hôm 3/7. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời phỏng vấn với đài truyền hình ARD tại Berlin hôm 3/7. Ảnh: Reuters.

Điều 5 Hiệp ước NATO quy định mọi cuộc tấn công một thành viên của khối bị coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ cùng tham gia đáp trả.

Kể từ khi thành lập, NATO mới kích hoạt Điều 5 một lần, sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. Liên minh đã phát động chiến dịch chống khủng bố đầu tiên, hỗ trợ tuần tra không phận Mỹ, đồng thời cử lực lượng tới Địa Trung Hải để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động khủng bố.

Thủ tướng Đức, người nhậm chức hồi tháng 12 năm ngoái, gần đây đối mặt với nhiều chỉ trích cả trong và ngoài nước là không thể hiện vai trò nổi bật trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, ông Scholz khẳng định không muốn trở thành kiểu chính trị gia tuần nào cũng hứa nhưng sau đó thất hứa tới 90%.

Tổng thống Ukraine Zelensky hồi tháng 4 cho biết 5 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sẵn sàng trở thành bên đảm bảo hoặc là những nước đã được Kiev liên hệ và trao đổi dự thảo về đảm bảo an ninh.

Sau vòng đàm phán trực tiếp với Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3, Ukraine đề xuất trở thành nước trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, với điều kiện các nước khác đảm bảo an ninh cho họ bằng những hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm ngăn các cuộc tấn công trong tương lai. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã bế tắc từ cuối tháng ba. Cố vấn của Tổng thống Ukraine Igor Zhovkva hôm 29/6 thúc giục NATO thể hiện ủng hộ chính trị với Kiev nhiều hơn.

Phát ngôn viện Điện Kremlin tháng trước nói Ukraine phải chấp thuận mọi yêu cầu của Nga nếu muốn dừng chiến sự. Moskva đã liệt kê những yêu cầu bao gồm Ukraine chấp nhận là nước trung lập và không xin gia nhập NATO, cam kết giải trừ quân bị để không trở thành mối đe dọa với Nga, bảo vệ tiếng Nga tại nước này và “phi phát xít hóa”. Moskva cũng muốn Kiev công nhận độc lập của hai vùng ly khai và công nhận Crimea thuộc Nga.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*