Tập đoàn FPT ( HoSE: FPT ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu 10.096 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán tăng 16,9% lên 6.080 tỷ đồng giúp biên lãi gộp được giữ nguyên so với quý II/2021.
Doanh thu tài chính của FPT đạt 506,2 tỷ đồng, tăng 110,4% so với quý II năm ngoái nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính giảm 6,9% còn 336,9 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 22,4% và 27,2%.
Kết quả, đơn vị này thu về 1.561 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 24% so với quý II/2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 25% lên 1.250 tỷ đồng, EPS được cải thiện từ 920 đồng lên 1.145 đồng do công ty đã phát hành thêm gần 183 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 20%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận tổng doanh thu 19.826 tỷ đồng, tăng 22,2% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, khối công nghệ mang về 11.252 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu chuyển đổi số trong nửa đầu năm đạt 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng 64,6% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Blockchain,…
Doanh thu khối viễn thông tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.077 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ viễn thông tăng 15%. Biên lợi nhuận dịch vụ viễn thông được mở rộng từ 18,3% lên 19,2% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV. Còn với mảng giáo dục, nhờ nhu cầu học ngành công nghệ thông tin tăng đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng này của FPT tăng 42% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.935 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 2.489 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ.
Năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 42.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.619 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, FPT đã hoàn thành 46,8% kế hoạch doanh thu và 47,7% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của FPT đạt 56.295 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Các khoản tiền và tương đương tiền là 5.219 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 21.543 tỷ đồng, trong đó đến 99% là tiền gửi ngân hàng. Như vậy lượng tiền FPT đang nắm giữ tính đến cuối tháng 6 là khoảng 26.762 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản. Nợ vay tài chính ở mức 21.412 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu kỳ trong đó 92% là nợ ngắn hạn.
Tháng 5 năm nay, FPT khai trương văn phòng mới tại thành phố New York nhằm mở rộng cơ hội phát triển, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ công nghệ, triển khai chuyển đổi số cho nhóm doanh nghiệp lớn tại khu vực Đông Bắc Mỹ. Dự kiến, trong 2 năm tới, Mỹ sẽ trở thành thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài với tham vọng đưa doanh thu của FPT Software đạt mức tỷ USD vào năm 2023.
Kể từ đầu năm tới nay, tập đoàn đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với 9 tỉnh thành: Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nam, Hưng Yên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng và Hậu Giang; nâng tổng số tỉnh thành đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số lên 20.
Để lại một phản hồi