Chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện dự ánđầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư và Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng, đoạn từ ĐT. 353 đến cầu Thái Bình, ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh: Đây là các dự án giao thông quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối giao thông liên vùng, tạo thuận lợi giao thương trong khu vực.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chủ trì Cuộc họp |
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị, các nhà thầu báo cáo về tình hình thi công trên công trường, ông Nguyễn Đức Thọ chỉ rõ, hiện nay, còn 4 vấn đề cần tập trung tháo gỡ là khó khăn về nguồn vật liệu, vận tải vật liệu, giá vật liệu tăng cao và tiến độ các hạng mục cầu.
Để giải quyết các vướng mắc này, ông Thọ đề nghị, đối với nguồn vật liệu đang khan hiếm (cụ thể là cát), theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tại trữ lượng cát được cấp phép khai thác tại Hải Phòng khá nhiều, Sở chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án, các nhà thầu tổ chức rà soát các mỏ đang khai thác tại thành phố, yêu cầu các chủ mỏ ưu tiên cung cấp cát cho các dự án trọng điểm (trong đó có dự án này), báo cáo UBND thành phố trước ngày 02/8/2022. Ban quản lý dự án cùng các nhà thầu cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thi công dự án và phương án huy động nguồn vật liệu.
Trước tình hình từ đầu tháng 5/2022 đến nay thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu cát để triển khai công tác thi công trên công trường, Phó chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng Ban Quản lý Dự án rà soát lại các mỏ cát đang khai thác, thống nhất với doanh nghiệp ưu tiên nguồn cát cho các dự án trọng điểm, bảo đảm vận chuyển hợp lý theo quy định của pháp luật, hạn chế ách tắc nguồn vật liệu vào công trường, trong đó, có Dự án tuyến đường bộ ven biển.
Công trình cầu vượt sông Văn Úc nhìn từ bờ huyện Kiến Thụy, thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển qua TP Hải Phòng. Ảnh: VQ |
Về tiến độ các hạng mục công trình của dự án, nhất là các hạng mục cầu quan trọng như: cầu Lạch Họng, cầu Văn Úc, cầu vượt đường 212 huyện Tiên Lãng, cầu Thái Bình, ông Thọ yêu cầu Ban quản lý dự án thường xuyên giám sát, huy động các mũi thi công theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm các hạng mục cầu hoàn thành phù hợp với tiến độ xây dựng toàn tuyến. UBND thành phố thống nhất đến ngày 15/01/2023 thông xe từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 212 huyện Tiên Lãng và thông xe toàn tuyến vào dịp tháng 5/2023.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (quản lý dự án đầu tư mở rộng tuyến đường ven biển), công tác thi công đang được các nhà thầu huy động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực triển khai đồng loạt.
Trong đó, đoạn thuộc địa bàn quận Đồ Sơn khối lượng thi công ước đạt gần 47%; huyện Kiến Thụy đạt 49%; cầu Văn Úc đạt gần 70%; đoạn qua huyện Tiên Lãng đạt 12%, cầu Thái Bình đạt 23% và đoạn thuộc địa bàn huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đạt 58% giá trị hợp đồng.
Tổng giá trị thực hiện toàn tuyến đến thời điểm này, đạt khoảng 41% giá trị hợp đồng. Đối với Dự án tuyến đường bộ ven biển mở rộng, đến nay, tổng giá trị thực hiện đạt khoảng gần 250 tỷ đồng, tương ứng 36,47% giá trị hợp đồng.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng báo cáo tại cuộc họp |
Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay, nguồn cát từ các mỏ (được chấp thuận) cung cấp cho dự án bị dừng, các nhà thầu tích cực tìm nguồn thay thế, nhưng không đáp ứng được khối lượng, nên ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Theo báo cáo của Công ty CP Đường ven biển Hải Phòng (dự án xây dựng tuyến đường ven biển Hải Phòng – Thái Bình theo hình thức BOT), về phần đường đã hoàn thành gia tải, đơn vị đang tích cực đẩy nhanh tiến độ; các hạng mục cầu như: cầu Lạch Họng, cầu Văn Úc, cầu vượt đường 212 huyện Tiên Lãng đang tích cực thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, cầu Thái Bình và phần đường thi công tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) triển khai chậm; khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công toàn dự án vẫn là thiếu 820.000 m3 cát.
Để lại một phản hồi