Hungary muốn mua thêm 700 triệu m3 khí đốt Nga

“Để đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp năng lượng của Hungary, chính phủ đã quyết định mua thêm 700 triệu m3 khí đốt tự nhiên ngoài số lượng quy định trong các hợp đồng dài hạn”, đảng cầm quyền Hungary Fidesz thông báo trên Facebook hôm nay.

Số lượng này chiếm khoảng 6,7% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ năm 2020 của Hungary, theo dữ liệu từ nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt tự nhiên FGSZ của nước này.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo trên Twitter rằng ông đã đến Moskva để đàm phán việc mua thêm khí đốt. Ông sẽ gặp các phó thủ tướng Nga Alexander Novak và Denis Manturov, cũng như người đồng cấp Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tại cuộc họp báo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tại cuộc họp báo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Hungary phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga và năm ngoái ký thỏa thuận 15 năm với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom để mua khí đốt tự nhiên. Hungary nhận khoảng 65% dầu và 85% khí đốt từ Nga.

Hungary tuần trước ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng nhằm đối phó gián đoạn nguồn cung và giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu. Quốc gia này sẽ tăng năng lực sản xuất năng lượng trong nước, cấm xuất khẩu năng lượng và tăng thời gian làm việc của nhà máy điện hạt nhân duy nhất.

“Có khả năng sẽ không đủ khí đốt để sưởi ấm ở châu Âu cho mùa thu và mùa đông”, Gergely Gulyas, Chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary, cho biết khi thông báo tình trạng khẩn cấp. “Chiến sự kéo dài cùng các lệnh trừng phạt từ Brussels đã khiến giá năng lượng trên khắp châu Âu tăng đột ngột. Thực tế, phần lớn châu Âu đã rơi vào khủng hoảng năng lượng”.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), hôm 15/7 cho rằng châu Âu đã “tự bắn vào phổi” khi áp đặt lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Moskva. Theo ông, các lệnh trừng phạt chỉ gây ra thiệt hại diện rộng cho kinh tế châu Âu mà không khiến Nga suy yếu.

Hơn 4 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt đã giảm nhẹ tác động của loạt lệnh trừng phạt phương Tây nhằm vào nước này. Dù lượng dầu xuất khẩu đến châu Âu giảm mạnh, giá bán cao cho các khách hàng khác vẫn giúp Moskva thu về hàng triệu USD mỗi ngày.

Hôm 14/7, Ủy ban châu Âu điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm nay của khu vực đồng euro xuống 2,6%, thấp hơn mức 2,7% họ đưa ra vào tháng 5. Dự báo tăng trưởng của năm 2023 được điều chỉnh thành 1,4%, thay vì mức 2,3% được ước tính trước đó.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*