Nga phản đối Đức, Nhật làm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an

“Nga kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Quá trình này đòi hỏi tăng tỷ lệ tương xứng từ các quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, để HĐBA trở thành một tổ chức dân chủ hơn, phản ánh nguyện vọng của người dân toàn cầu”, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh ngày 4/7.

“Tôi muốn nói thẳng rằng Nga không sẵn sàng ủng hộ các quốc gia như Đức và Nhật Bản làm ủy viên thường trực HĐBA, chúng tôi không thấy bất cứ giá trị nào từ việc kết nạp họ”, Denisov, cựu đại diện thường trực của Nga tại LHQ, nói thêm.

Theo ông Denisov, việc Đức và Nhật trở thành ủy viên thường trực có thể làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng tại HĐBA.

“Nga rất cởi mở với triển vọng gia nhập HĐBA của Ấn Độ và Brazil”, ông nhấn mạnh. “Chúng tôi đã kiên trì kêu gọi HĐBA trở thành một cơ quan mang tính đại diện nhất có thể. Bất chấp khó khăn, LHQ vẫn là một tổ chức đặc biệt mà Nga muốn duy trì và cải thiện”.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov. Ảnh: Global Times.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov. Ảnh: Global Times.

HĐBA là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết, theo Geopolitical Monitor.

Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra quyết định mang tính khuyến nghị, các nghị quyết của HĐBA mang tính ràng buộc, tất cả thành viên LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Vì vậy, HĐBA được coi là cơ quan quyền lực nhất của LHQ.

Cơ quan này gồm 15 thành viên, trong đó Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ là các ủy viên thường trực. 5 quốc gia này có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, trong khi ủy viên không thường trực không có quyền phủ quyết, nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.

Đức, Nhật, Ấn Độ và Brazil, thường được gọi là nhóm G4, năm 2005 từng đưa ra đề nghị mở rộng HĐBA. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc thảo luận, đề xuất này đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực do vấp phải sự phản đối của một số ủy viên thường trực của hội đồng. Trung Quốc từng tuyên bố các thành viên LHQ vẫn bị chia rẽ trong vấn đề này và Bắc Kinh sẽ bỏ phiếu chống.

Đức Trung (Theo TASS)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*