Nghi phạm ám sát ông Abe từng tự tử bất thành

“Yamagami cực kỳ thông minh, giống cha nó”, chú của Tetsuya Yamagami, nghi phạm ám sát cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ngày 15/7 tiết lộ với truyền thông Nhật Bản về quá khứ của cháu ruột mình. “Thằng bé cũng rất chăm chỉ, hai chú cháu chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp”.

Người chú này cho biết Yamagami từng được nhận vào một trường trung học ưu tú của tỉnh Nara, nơi có tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học hàng đầu đất nước rất cao. Tuy nhiên, Yamagami đã không thể theo học đại học do tình hình tài chính khó khăn của gia đình.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami được hộ tống đến Văn phòng Công tố quận Nara, ngày 10/7. Ảnh: AFP.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami được hộ tống đến Văn phòng Công tố quận Nara, ngày 10/7. Ảnh: AFP.

Theo lời kể của người chú 77 tuổi, mẹ của Yamagami gia nhập Giáo hội Thống nhất vào khoảng năm 1991, sau khi chồng bà tự sát năm 1984, để lại công ty xây dựng cho bà điều hành. Người chú xác nhận bà đã quyên góp 100 triệu yen (hơn 724.000 USD) cho giáo phái.

Nguồn tin từ cơ quan điều tra cũng cho biết mẹ của nghi phạm Yamagami đã bán mảnh đất được thừa kế và ngôi nhà ở Nara, nơi bà sống cùng ba người con, để quyên góp cho giáo phái. Bà tuyên bố phá sản vào năm 2002.

Sau khi từ bỏ giấc mơ đại học vì hoàn cảnh gia đình, Yamagami muốn trở thành lính cứu hỏa, nhưng không vượt qua được bài kiểm tra do cận thị, người chú kể.

Yamagami gia nhập Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) năm 2002, thời điểm mẹ mình phá sản, và từng tìm cách tự tử vào năm 2005 vì muốn anh trai và em gái được hưởng tiền bảo hiểm nhân thọ. Khi tự tử bất thành, Yamagami nói với sĩ quan JMSDF rằng anh ta hành động như vậy vì “Giáo hội Thống nhất phá hủy cuộc sống và gia đình mình”.

Chi nhánh Nhật Bản của Giáo hội Thống nhất từ chối công bố số tiền mà mẹ Yamagami quyên góp, song xác nhận thông tin bà phá sản năm 2002 và khẳng định sẽ phối hợp với giới chức điều tra vụ án.

Tomihiro Tanaka, Chủ tịch Giáo hội Thống nhất Hòa bình Thế giới chi nhánh Nhật Bản phát biểu tại cuộc họp báo ở Shinjuku, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/7. Ảnh: AFP.

Tomihiro Tanaka, chủ tịch Giáo hội Thống nhất Hòa bình Thế giới chi nhánh Nhật Bản phát biểu tại cuộc họp báo ở Shinjuku, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/7. Ảnh: AFP.

Nghi phạm Yamagami, 41 tuổi, nổ súng ám sát cựu thủ tướng Abe hôm 8/7 khi ông đang phát biểu tại Nara trước thềm bầu cử thượng viện.

Yamagami khai nhắm mục tiêu vào cựu thủ tướng vì cho rằng ông liên quan tới tổ chức tôn giáo mà mẹ mình tham gia và bị họ làm cho khánh kiệt. “Bà ấy đắm chìm với các hoạt động của nhóm và đã bán mảnh đất của gia đình mà không báo trước. Cuộc sống gia đình tôi xáo trộn, vì vậy tôi tin rằng tôi phải trừng phạt nhóm”, Yamagami khai với cảnh sát.

Theo lời kể của người chú, mẹ Yamagami đã quyên góp khoảng 60 triệu yen cho giáo phái để làm “tiền bảo hiểm cho cái chết của chồng”. Số tiền 40 triệu yen có được nhờ bán đất cũng được bà nộp toàn bộ cho giáo phái. Bà được cho là tiếp tục quyên góp nhỏ giọt kể cả sau khi phá sản năm 2002.

“Tôi tin rằng bà ấy là một tín đồ quan trọng trong giáo hội. Bà bị kiểm soát tâm trí”, người chú giấu tên nói.

Giáo hội Thống nhất tuyên bố đã trả lại 50 triệu yen cho mẹ Yamagami sau vụ ám sát ông Abe. Tuy nhiên, người chú chỉ trích phản ứng của giáo phái vì không tiết lộ tổng số tiền mà bà đã quyên góp, cáo buộc đó là hành động trốn tránh trách nhiệm.

Giáo hội Thống nhất Hòa bình Thế giới được mục sư Sun Myung Moon thành lập năm 1954, sau khi ông bị các nhà thờ Tin lành chính thống từ chối.

Sau khi du nhập vào Nhật Bản năm 1958, Giáo hội Thống nhất đã phát triển hàng chục chi nhánh, trong đó có một cơ sở ở thành phố Nara, cách nơi cựu thủ tướng Abe bị ám sát hôm 8/7 chỉ vài trăm mét. Chi nhánh Nhật Bản của giáo phái này có khoảng 600.000 tín đồ.

Trong nhiều thập kỷ, Giáo hội Thống nhất trở nên nổi tiếng với những đám cưới tập thể hoành tráng, thường được tổ chức tại các sân vận động khổng lồ với hàng nghìn cặp đôi tham gia.

Các thành viên Giáo hội ở Nhật Bản “sẽ gõ cửa từng nhà và nói với chủ nhân rằng ‘thân nhân quá cố của bạn đã liên lạc với chúng tôi và họ muốn bạn đến ngân hàng gửi tiền cho Giáo hội Thống nhất để linh hồn họ có thể thanh thản'”, Steve Hassan, thành viên một thời của Giáo hội Thống nhất, người sau đó trở thành chuyên gia trị liệu sức khỏe tâm thần, tác giả một số cuốn sách về các tôn giáo độc hại, cho hay.

Mặc dù Giáo hội Thống nhất có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản là nơi tạo ra 70% tài sản cho họ, theo các nhà sử học đã nghiên cứu về tổ chức này. Một cựu thành viên cấp cao của giáo hội chi nhánh Nhật Bản từng cho biết ông Moon đã chuyển 800 triệu USD từ Nhật tới Mỹ từ giữa những năm 1970 đến giữa thập niên 1980.

Đức Trung (Theo Youmiuri Shimbun, Asahi)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*