“Chúng tôi đang rút khỏi phủ tổng thống, văn phòng thủ tướng một cách hòa bình và có hiệu lực ngay lập tức, nhưng sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh”, đại diện người biểu tình Sri Lanka hôm nay cho hay.
Omalpe Sobitha, nhà sư Phật giáo hàng đầu ủng hộ biểu tình, trước đó kêu gọi giao lại phủ tổng thống hơn 200 năm tuổi cho chính quyền và đảm bảo các tác phẩm nghệ thuật, đồ tạo tác có giá trị được bảo tồn.
“Tòa nhà này là kho báu quốc gia và nó cần được bảo vệ”, ông Sobitha nói. “Phải có một cuộc kiểm đếm thích hợp và tài sản được trao lại cho nhà nước”.
Người biểu tình tràn vào phủ tổng thống cuối tuần qua, khiến ông Gotabaya Rajapaksa phải sơ tán. Hàng trăm nghìn người sau đó tới phủ tổng thống tham quan và trải nghiệm những tiện ích ở đây.
Người biểu tình hôm qua tiếp tục chiếm giữ văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesingh. Ông Wickremesinghe, người được Rajapaksa bổ nhiệm làm quyền tổng thống hôm 13/7, chỉ thị lực lượng an ninh “vãn hồi trật tự bằng mọi giá”. Ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp lệnh giới nghiêm cho đến rạng sáng nay.
Người biểu tình cũng cố xông vào tòa nhà quốc hội nhưng thất bại. Một binh sĩ và một cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ đêm qua với người biểu tình bên ngoài tòa quốc hội.
Bệnh viện chính ở thủ đô Colombo cho biết khoảng 85 người đã nhập viện vì bị thương hôm 13/7, trong khi một người đàn ông chết ngạt vì bị xịt hơi cay tại văn phòng thủ tướng.
Tổng thống Rajapaksa cùng vợ và hai vệ sĩ hôm qua tới Maldives bằng máy bay quân sự và được cho là sẽ tới Singapore. Ông chưa gửi đơn từ chức cho Chủ tịch Quốc hội. Nếu quyền tổng thống Wickremesinghe cũng thực hiện cam kết từ chức thủ tướng đã đưa ra hôm 9/7, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành tổng thống lâm thời.
Quốc hội Sri Lanka dự kiến họp ngày 15/7 và tân tổng thống sẽ được bầu ngày 20/7.
Gia tộc Rajapaksa cùng đồng minh bị cáo buộc đã đưa ra những chính sách sai lầm, đẩy quốc đảo rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Đất nước thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới.
Huyền Lê (Theo AFP)
Để lại một phản hồi