Ranil Wickremesinghe, người từng 6 lần làm thủ tướng Sri Lanka, hôm nay nhậm chức Tổng thống với sự ủng hộ của đa số nghị sĩ tại quốc hội. Phát biểu sau khi đắc cử, Tổng thống Wickremesinghe kêu gọi các đảng phái đoàn kết để chung sức giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Andrea Malji, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế chuyên về khu vực Nam Á tại Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, không quá lạc quan về tương lai Sri Lanka dưới thời Tổng thống Wickremesinghe.
“Ông Wickremesinghe được xem là sự tiếp nối của quá khứ. Dù ông ấy đang cố tạo khoảng cách với gia tộc Rajapaksa, điều người dân Sri Lanka thực sự muốn là sự thay đổi”, phó giáo sư Malji nói với VnExpress. “Họ mong muốn chính phủ mới theo đuổi một lộ trình bao trùm hơn, với sự tham gia của các dân tộc thiểu số, thay vì tiếp nối những chính sách sai lầm của các chính quyền trước đây”.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân cốt lõi đẩy Sri Lanka đến tình cảnh khủng hoảng hiện nay là chính sách vay nợ nước ngoài quá nhiều qua các đời lãnh đạo thuộc gia tộc Rajapaksa.
Lên nắm quyền tổng thống sau khi nội chiến kết thúc năm 2009, Mahinda Rajapaksa đã chủ trương vay mượn rất nhiều từ bên ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mục tiêu của ông Mahinda là trang trải chi phí chiến tranh và phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút du lịch. GDP của Sri Lanka đã tăng từ 20 tỷ USD lên 80 tỷ USD, nhưng nước này cũng vay hơn 14 tỷ USD, nhưng nhiều dự án trong số đó không mang lại hiệu quả.
Sau khi Gotabaya Rajapaksa, em trai của Mahinda, lên nắm quyền vào năm 2019, chính phủ Sri Lanka tiếp tục vay nợ, đồng thời thực hiện chính sách cắt giảm thuế, thay vì tiến hành cải cách kinh tế để tăng thu ngân sách. Loạt vụ đánh bom Lễ Phục sinh năm 2019 và đại dịch Covid-19 sau đó đã tàn phá ngành du lịch, làm tổn hại nguồn thu ngoại tệ chính của Sri Lanka.
Hồi tháng 2, Sri Lanka thông báo nước này còn 2,31 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, trong khi phải trả nợ khoảng 4 tỷ USD riêng trong năm nay. Tổng nợ nước ngoài của quốc gia Nam Á trong những năm qua lên tới 51 tỷ USD.
“Sri Lanka rơi vào hỗn loạn do những vết thương kinh tế tự gây ra và những biến động nghiêm trọng của thị trường quốc tế”, Cullen Hendrix, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson kiêm giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế Josef Korbel của Đại học Denver, nhận định.
Giáo sư Hendrix cho rằng gia tộc Rajapaksa đã “vung tay” vay nợ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, đẩy quốc gia vào tình cảnh nợ nần. Tình cảnh của Sri Lanka trở nên trầm trọng hơn do khủng bố, đại dịch, cũng như giá nhập khẩu lương thực và nhiên liệu tăng vọt thời gian qua.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đẩy cuộc sống của người dân Sri Lanka vào cảnh thiếu thốn, khổ cực, làm dấy lên làn sóng biểu tình khắp cả nước, dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á.
“Còn quá sớm để nói về tương lai Sri Lanka, nhưng trong ngắn hạn, quốc gia này sẽ tiếp tục trải qua nhiều khó khăn và bất ổn. Tổng thống Wickremsinghe nói Sri Lanka có thể bắt đầu hồi phục vào cuối năm tới, nhưng nhận định này quá lạc quan”, phó giáo sư Malji cho hay.
Quỹ đạo tương lai của Sri Lanka hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cộng đồng quốc tế có thông qua các gói cứu trợ cho quốc gia này hay không, theo Malji. “Nhưng cả khi điều này xảy ra, nó có thể đi kèm những ràng buộc như chính sách thắt lưng buộc bụng và chỉ càng khiến người dân Sri Lanka thêm tổn thương, đặc biệt là các nhóm vốn chịu nhiều thiệt thòi”, bà nói.
Neil DeVotta, giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Wake Forest, người lớn lên ở Sri Lanka và là chuyên gia về khu vực Nam Á, cũng cho rằng Sri Lanka không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nếu thiếu sự giúp đỡ từ IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á hay Ngân hàng Thế giới, cũng như các đối tác như Trung Quốc, Mỹ hay Ấn Độ.
Ông DeVotta tin rằng Sri Lanka sẽ cần một cuộc cải tổ kinh tế quy mô lớn, dài hạn và để thực hiện điều đó, chính phủ sẽ phải tái cấu trúc các khoản nợ nước ngoài. Nhưng đây là một vấn đề đầy thách thức.
“IMF sẽ không đưa tiền cho Sri Lanka để họ có thể thanh toán các khoản nợ với Trung Quốc hay bất kỳ thực thể nào khác. Trong khi đó, Trung Quốc hiểu rằng xóa bất kỳ khoản nợ nào cho Sri Lanka đồng nghĩa các quốc gia vay nợ khác như Pakistan hay một số nước châu Phi cũng muốn được như vậy. Và Bắc Kinh không muốn tạo tiền lệ”, ông nói.
Song giới quan sát cho rằng để giải quyết nợ nước ngoài, Sri Lanka sẽ cần phải giải bài toán về khủng hoảng chính trị trước.
“Bạn sẽ không thể yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ nếu chính trị trong nước không ổn định. Do đó, điều quan trọng nhất với Sri Lanka hiện nay là phải bình ổn tình hình chính trị trong nước”, giáo sư DeVotta nhận định.
Các chuyên gia cho rằng đây là bài toán nhiều thách thức với chính quyền Tổng thống Wickremsinghe. Dù tân Tổng thống Sri Lanka nhận được ủng hộ từ phần lớn nghị sĩ quốc hội, với hình ảnh chính trị gia kỳ cựu đủ khả năng lèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng và đàm phán với các tổ chức quốc tế, ông đang đối mặt nhiều tranh cãi về uy tín chính trị.
Theo bà Malji, khi được tổng thống Gotabaya Rajapaksa chỉ định làm thủ tướng hồi tháng 5, Wickremesinghe đã trở thành một phần của chính quyền tiền nhiệm. Người biểu tình Sri Lanka cũng cáo buộc Wickremesinghe đã “đi đêm” với gia tộc Rajapaksa để loại bỏ các đối thủ chính trị.
“Ông ấy làm rất ít để thách thức những chính sách của chính quyền Rajapaksa. Do đó, ông ấy được xem là một phần vấn đề đẩy Sri Lanka đến tình cảnh hiện tại”, phó giáo sư nói.
Theo chuyên gia này, Tổng thống Wickremsinghe sẽ khó xoa dịu được nỗi lo ngại và phẫn nộ của người dân Sri Lanka nếu không thực thi những chính sách quyết liệt để nhanh chóng giải quyết các bức xúc về chính trị, trong đó có đề xuất hạn chế quyền lực tổng thống.
Khi được chỉ định làm quyền Tổng thống do ông Gotabaya chạy ra nước ngoài, Wickremsinghe đã liên tiếp ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và đe dọa sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn chống lại những “kẻ gây rối muốn lật đổ chính phủ”.
Giới quan sát cho rằng với chính sách quyết liệt như vậy, Tổng thống Wickremsinghe sẽ khó xây dựng được khối đoàn kết dân tộc để giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị của đất nước. “Đây sẽ là một quá trình đầy khó khăn và mất nhiều thời gian”, giáo sư DeVotta cảnh báo.
Thanh Tâm
- Sự nghiệp nhiều lần đứt gánh của tân Tổng thống Sri Lanka
- Cái kết của nhiệm kỳ tổng thống Sri Lanka trong khách sạn Singapore
- Khủng hoảng Sri Lanka thử thách vai trò chủ nợ của Trung Quốc
- Gia tộc bị cáo buộc đẩy Sri Lanka đến bờ vực hỗn loạn
Để lại một phản hồi