Theo Reuters, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng 7 này do những nỗi lo dai dẳng liên quan đến lạm phát và lãi suất gia tăng.
Công ty Walmart (Mỹ) ngày 25-7 cho biết lợi nhuận của họ có thể bị ảnh hưởng, khi phần lớn khách hàng chỉ mua nhu yếu phẩm và không mặn mà với những kệ hàng đầy ắp quần áo, thiết bị thể thao. Ở chiều ngược lại, những tập đoàn khổng lồ như Coca Cola, McDonald và Unilever ngày 26-7 đồng loạt tuyên bố sản phẩm của họ vẫn bán chạy, thậm chí bán được giá tốt hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là xu hướng này sẽ tiếp diễn trong bao lâu. Với gần 40.000 cửa hàng trên toàn thế giới, McDonald khẳng định doanh thu của họ tăng gần 10% trong quý II/2022, cao hơn nhiều so với mức dự đoán 6,5%. Dù vậy, Giám đốc Tài chính Kevin Ozan của McDonald cho biết họ đang cân nhắc bổ sung thực đơn giảm giá vì lạm phát phi mã, đặc biệt là ở châu Âu, đang khiến không ít khách hàng lựa chọn những sản phẩm giá rẻ hơn.
Người dân TP New York – Mỹ chờ nhận thực phẩm miễn phí bên ngoài một nhà thờ ở quận The Bronx hôm 13-7. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, theo khảo sát vừa được tổ chức American Consumer Credit Counseling (Mỹ) công bố, gần 40% người tiêu dùng nước này hiện không còn dư dả để gửi tiết kiệm trong khi khoảng 19% thừa nhận họ phải giảm tỉ lệ tiết kiệm. Tính đến quý II/2022, 48% người tiêu dùng Mỹ khẳng định giá cả hàng hóa thiết yếu gia tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ – cao hơn nhiều so với mức 39% của quý I.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp ngày 27-7 (giờ địa phương), theo hãng tin Bloomberg, các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ chịu thêm sức ép đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ. Riêng tại Úc, lạm phát quý II/2022 đã tăng lên mức 6,1% so với 5,1% của cùng kỳ năm ngoái. Con số cao chưa từng thấy kể từ năm 2001 này nhiều khả năng tiếp tục gia tăng khi giá thực phẩm và năng lượng vọt lên. Giới quan sát nhận định Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) có thể phải tiếp tục nâng lãi suất để kìm lạm phát như 3 lần trước đó.
Để lại một phản hồi