Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang |
Vừa qua, Trung ương đã ban hành hàng loạt chủ trương, quyết sách phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mở ra cơ hội lớn để các địa phương trong Vùng thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Trong mối tương quan với toàn Vùng, theo ông, Hậu Giang có các yếu tố nào để tạo nên lợi thế khác biệt?
Vùng ĐBSCL đang được Trung ương hết sức quan tâm. Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, chuỗi sản xuất có xu hướng dịch chuyển từ các nước vào Việt Nam. Ở trong nước cũng có sự dịch chuyển chuỗi sản xuất từ những trung tâm, thành phố lớn phía Nam về Vùng ĐBSCL. Như vậy, Vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang vừa được quan tâm đầu tư, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất, nên có cơ hội, điều kiện phát triển tốt.
Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam Sông Hậu, bao gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Bên cạnh các tuyến quốc lộ kết nối liên vùng đi qua địa bàn tỉnh, Hậu Giang còn là điểm giao nhau của 3 tuyến cao tốc đường bộ sắp hình thành là: tuyến Cần Thơ – Cà Mau; tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Các tuyến giao thông này khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối thông suốt Hậu Giang với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cùng với Cảng biển nước sâu Trần Đề (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch) và các tỉnh trong Vùng, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Hậu Giang, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ…
Thuận lợi về khả năng kết nối giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không cũng chính là lợi thế để Hậu Giang phát triển các loại hình vận tải đa phương thức, phát huy lợi thế về chi phí vận chuyển và tối đa hóa nguồn hàng, trở thành một trung tâm logistics của Vùng.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh nằm trong số các địa phương có chỉ số tối ưu trong Vùng ĐBSCL về khoảng cách tới thị trường và khoảng cách tới vùng sản xuất; cách sân bay 20 km và cảng biển 60 km. Vị trí này rất thuận lợi để các doanh nghiệp lựa chọn đặt nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, hoặc các tổng kho phân phối phục vụ thị trường ĐBSCL.
Có thể nói, trên bản đồ thu hút đầu tư của Vùng ĐBSCL, Hậu Giang đang trở thành điểm sáng, hội tụ đầy đủ các điều kiện về “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Đây là thời điểm tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai hoạt động tại Hậu Giang.
Hậu Giang luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Trong ảnh: Một góc TP. Vị Thanh, thủ phủ tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam |
Thưa ông, trong chiến lược thu hút đầu tư của Hậu Giang, các lĩnh vực trọng tâm nào được tỉnh xác định ưu tiên kêu gọi đầu tư?
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo. Do đó, tỉnh đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư vào 4 trụ cột này.
Cụ thể, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác; phát triển chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh theo quan điểm thuận thiên.
Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị thông minh, đô thị xanh, đảm bảo tính bền vững, tạo ra dòng tiền dương để tái đầu tư.
Phát triển du lịch chất lượng, có trọng tâm, chọn những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh để đầu tư nhằm quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước.
Tóm lại, định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2030 là “Phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng”.
Trên tinh thần đó, tỉnh Hậu Giang đặc biệt quan tâm mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nghề, dự án có hàm lượng công nghệ cao, có kinh nghiệm, năng lực, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Các doanh nghiệp, dự án có tác động lan tỏa, sử dụng các dịch vụ và đầu vào nội tỉnh, thu hút nguồn lực lao động tại địa phương, tạo việc làm ổn định và các dự án sử dụng ít đất, ít tác động đến môi trường, mang tính bền vững.
Việc thiếu quỹ đất sạch được xem là một trong những trở ngại lớn trong thu hút đầu tư đối với nhiều địa phương trong Vùng ĐBSCL. Có phải đây cũng là vấn đề mà Hậu Giang đang đối mặt, thưa ông ?
Ngay từ khi thành lập tỉnh (năm 2004), Hậu Giang đã bắt tay vào việc triển khai quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung tại các vị trí thuận lợi, tiềm năng, phục vụ cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Hiện nay, ngoài Khu công nghiệp Sông Hậu và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, có tổng diện tích 492 ha, đã lấp đầy 80% diện tích, Hậu Giang còn quy hoạch xây dựng thêm 8 khu công nghiệp, với tổng diện tích 1.741 ha. Thành lập mới 5 cụm công nghiệp, cùng với 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích 10 cụm công nghiệp là khoảng 569 ha.
Đã có 3 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích khoảng 600 ha. Cả 3 dự án này đều triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025.
Có thể nói, quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư đến với Hậu Giang.
Trong những buổi tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh luôn cam kết mạnh mẽ về việc xây dựng “một văn hóa – một ngôn ngữ” trong ứng xử với doanh nghiệp. Vậy thông điệp này được cụ thể hóa ra sao trong thực thi công vụ?
Quan điểm của tỉnh rất rõ ràng qua việc thay đổi tư duy chuyển từ chính quyền “quản lý” sang “kiến tạo, phục vụ” người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở xây dựng “một văn hóa – một ngôn ngữ”, từ lãnh đạo tỉnh đến chính quyền cơ sở đều có chung văn hóa ứng xử với doanh nghiệp là đồng hành, hỗ trợ họ trong suốt quá trình từ khi tiếp cận, thực hiện thủ tục kinh doanh, đầu tư và hoạt động tại địa phương.
Với phương châm đó, tỉnh đề ra khẩu hiệu hành động là “2 nhanh” (nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư) và “3 tốt” (cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt).
Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư – kinh doanh, ngày 16/2/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Hậu Giang. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban và Chủ tịch UBND tỉnh là Phó trưởng ban Thường trực, các thành viên là giám đốc các sở, ngành. Khi tiếp nhận thủ tục, đề xuất của các nhà đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì và gửi hồ sơ đến các ngành có liên quan. Sau một tuần sẽ họp Ban giải quyết và trả lời cho nhà đầu tư. Nếu được thì cấp chủ trương đầu tư, còn không được thì có ý kiến phản hồi ngay cho nhà đầu tư biết. Việc thành lập Ban là một bước ngoặt, giúp giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xuống dưới 50% so với quy định.
Về phía doanh nghiệp, trong quá trình thực hiện các thủ tục, nếu có chỗ nào chưa rõ thì các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ sẽ tận tình hướng dẫn, hỗ trợ và thậm chí làm giùm doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt mô hình chính quyền điện tử, chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội, nhằm giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, do lãnh đạo tỉnh đứng đầu. Những dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Ban sẽ trực tiếp giải quyết, tháo gỡ vướng mắc nhằm bàn giao mặt bằng kịp thời cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang.
Chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 là cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế, với mục tiêu phát triển nhanh hơn bình quân của cả nước; giai đoạn 2026 – 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8 – 10%, thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng, tỉnh sẽ cơ bản tự chủ ngân sách.
Để lại một phản hồi