Tương lai Sri Lanka sau khi Tổng thống từ chức

Khi những người biểu tình Sri Lanka chiếm dinh thự, vui chơi trong hồ bơi, nấu ăn, tập thể dục tại phòng gym của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, ông biết đó là dấu chấm hết cho thời kỳ nắm giữ quyền lực của gia tộc.

Lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào tháng 3 tại thủ đô Colombo, các nhà sư Phật giáo, trước đây từng giúp đỡ gia tộc Rajapaksa, bắt đầu tham gia biểu tình. Khi các binh sĩ quân đội bắt đầu quay lưng với người từng là bộ trưởng quốc phòng, vị thế của Tổng thống Rajapaksa rõ ràng đã thay đổi.

Rajapaksa thông báo sẽ từ chức, rời khỏi dinh thự trước khi người biểu tình phẫn nộ tràn vào và hiện chưa rõ tung tích của ông. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Sri Lanka sau biến cố chính trị này.

Người biểu tình tập trung ở hồ bơi trong dinh thự Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại Colombo cuối tuần qua. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình tập trung ở hồ bơi trong dinh thự Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại Colombo cuối tuần qua. Ảnh: Reuters.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hy vọng sẽ Sri Lanka sẽ đạt được một giải pháp cho tình trạng bất ổn chính trị hiện nay để họ có thể nối lại đàm phán cứu trợ cho quốc gia này. Mỹ cũng kêu gọi quốc hội Sri Lanka đoàn kết để giải quyết vấn đề quốc gia, thay vì chia rẽ đảng phái chính trị.

Ruth Pollardis, nhà phân tích của Bloomberg, cho rằng vấn đề hiện nay là chỉ có người biểu tình cho thấy mức độ gấp gáp của cuộc khủng hoảng, trong khi cả Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều lẩn trốn trước làn sóng giận dữ của người dân.

Pollardis cho rằng cả Rajapaksa và Wickremesinghe đều phải ngừng né tránh các vấn đề của đất nước, trong khi quốc hội Sri Lanka nên bổ nhiệm một nội các đa đảng với các nhà kỹ trị có nhiều kinh nghiệm kinh tế để đưa Sri Lanka thoát khỏi khủng hoảng.

“Họ cần làm điều này một cách nhanh chóng, trước khi khoảng trống quyền lực nguy hiểm có thể xuất hiện và cho phép các nhóm cực đoan lợi dụng tình hình bất ổn xã hội để trỗi dậy”, Pollardis nhận định.

Phiến quân trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cách đây ba năm từng đánh bom nhà thờ, khách sạn ở thủ đô Colombo, khiến gần 270 người thiệt mạng và đe dọa ngành du lịch nước này. Nếu Sri Lanka không có người lãnh đạo trong thời gian dài, những nhóm như IS sẽ dễ dàng trỗi dậy, giới chuyên gia cảnh báo.

Theo quy định của hiến pháp Sri Lanka, khi Tổng thống Rajapaksa tuyên bố từ chức, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ lên nắm quyền. Tuy nhiên, kịch bản này không thể xảy ra khi chính ông Wickremesinghe cũng đã tuyên bố từ chức. Điều này khiến Mahinda Yapa Abeywardena, chủ tịch quốc hội Sri Lanka, nhiều khả năng trở thành tổng thống lâm thời.

“Hiến pháp quy định là nếu tổng thống từ chức và không có thủ tướng, chủ tịch quốc hội có thể làm tổng thống trong khoảng một tháng”, Jayadeva Uyangoda, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Colombo, cho hay.

Tổng thống lâm thời sẽ có một tháng để tổ chức cuộc bầu cử lãnh đạo kế tiếp giữa các thành viên quốc hội. Người chiến thắng sẽ tiếp quản vị trí tổng thống hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, trước khi Sri Lanka tổ chức cuộc bầu cử chính thức tiếp theo, theo giới phân tích.

Ông Uyangoda cho biết cả tổng thống và thủ tướng mới, do quốc hội lựa chọn, sẽ đối mặt với tình trạng khủng hoảng trầm trọng và chia rẽ của đất nước.

Trong khi những cuộc biểu tình tập trung vào tình trạng lạm dụng quyền lực của gia tộc Rajapaksa, người dân Sri Lanka cũng thất vọng với các cuộc đấu đá nội bộ của tầng lớp chính trị. Theo chuyên gia Uyangoda, các lãnh đạo mới của đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện bất kỳ lời hứa nào trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại.

Sri Lanka đã rơi vào khủng hoảng tài chính suốt nhiều tháng. Nhiên liệu, thuốc men thiếu hụt, trong khi lạm phát thực phẩm gần chạm ngưỡng 80%. Các cuộc đàm phán ban đầu với IMF đã kết thúc ngày 30/6 nhưng không đem lại bất kỳ giải pháp lập tức nào cho cuộc khủng hoảng ngoại hối đang khiến quốc gia này rơi vào bế tắc. Khoảng 1/4 trong số 22 triệu dân Sri Lanka không thể đảm bảo bữa ăn hàng ngày, theo Chương trình Lương thực Thế giới ngày 6/7.

Người dân đã yêu cầu chính phủ từ chức suốt nhiều tháng, khiến Mahinda Rajapaksa, anh trai Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, phải từ chức. Tổng thống Rajapaksa hôm 12/5 bổ nhiệm ông Wickremesinghe làm Thủ tướng, với hy vọng sẽ ổn định chính quyền và bắt đầu đàm phán nghiêm túc với IMF.

Nhưng làn sóng bất bình của người dân vẫn không lắng xuống, khi tình hình đời sống và điều kiện kinh tế không được cải thiện. Bất kể Wickremesinghe làm gì, ông vẫn được xem là một phần của bộ máy chính trị đẩy Sri Lanka tới tình cảnh hiện tại. Ngày 9/7, vài giờ sau khi Wickremesinghe tuyên bố sẽ từ chức, những người biểu tình đã đốt nhà riêng của ông.

Ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất đối với gia tộc Rajapaksa dường như cũng cho thấy họ đang mất dần niềm tin. Quyết định cấm nhập khẩu phân bón của ông vào năm ngoái khiến nông dân mất ít nhất hai vụ mùa, đe dọa kế sinh nhai của họ. Đồng thời, nó cũng đẩy Sri Lanka vào cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng, có thể mất nhiều năm mới hồi phục được.

Deepa Ranawara cùng chồng và hai con nằm trong số những người biểu tình tiến vào dinh thự Tổng thống Rajapaksa tuần trước.

“Mọi người đã phải chịu đựng quá nhiều. Chưa bao giờ trong những giấc mơ điên rồ nhất, tôi nghĩ điều này có thể xảy ra ở Sri Lanka”, cô nói.

Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu ở thủ đô Colombo hồi tháng 5. Ảnh: NY Times.

Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu ở thủ đô Colombo hồi tháng 5. Ảnh: NY Times.

Ranawara và chồng hai năm trước vay tiền ngân hàng để mở một cửa hàng tạp hóa nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình và trả tiền cho con gái học thêm trước các kỳ thi cuối kỳ quan trọng, còn chồng cô làm nghề sơn ôtô. Sau nhiều tháng đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, vợ chồng Ranawara phải vật lộn để trả nợ và bổ sung vật tư cho cửa hàng.

“Bây giờ chúng tôi có thể chỉ ăn hai bữa mỗi ngày và thậm chí không dám mơ tới cá hay thịt”, cô Ranawara nói.

Trong hơn hai năm qua, hai con của Mohammad Imran ở thủ đô Colombo không thể tới trường thường xuyên, đầu tiên là do đại dịch và giờ là khủng hoảng kinh tế. Nhiên liệu trở nên khan hiếm và mọi chi phí từ thực phẩm tới vận chuyển đều tăng vọt.

Những người dân Sri Lanka đổ lỗi cho Tổng thống Rajapaksa và những thành viên trong gia tộc ông đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ.

“Toàn bộ tầng lớp chính trị đã đánh mất niềm tin của công chúng. Mâu thuẫn đã tồn tại giữa tầng lớp chính trị và người dân. Trừ khi mâu thuẫn này được giải quyết trên tinh thần xây dựng, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng bất ổn”, chuyên gia Uyangoda cảnh báo về tương lai của đất nước Sri Lanka.

Thanh Tâm (Theo Bloomberg, NY Times)

  • Cuộc biểu tình khiến phủ tổng thống Sri Lanka thất thủ
  • Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan với Sri Lanka
  • Sri Lanka – từ đảo thiên đường tới quốc gia vỡ nợ
  • Những khoản vay khiến Sri Lanka lâm cảnh vỡ nợ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*