Xoay vốn đối ứng để đóng mạch cao tốc Bến Lức – Long Thành

Một đoạn thuộc tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành

Nút thắt cuối

Cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4547/BKHĐT-KCHTĐT gửi các bộ: Giao thông – Vận tải (GTVT), Tài chính, Tư pháp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) liên quan đến việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn các cơ quan trên có ý kiến chính thức bằng văn bản với dự thảo tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án, trong đó có ý kiến cụ thể đối với tính khả thi của phương án đề xuất. “Thời gian góp ý là trước ngày 8/7/2022 để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

Tại dự thảo tờ trình kèm theo Công văn số 4547/BKHĐT-KCHTĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ thống nhất chủ trương giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để tiếp tục triển khai Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC cập nhật lại các thông số đầu vào (vốn đối ứng tiếp tục bố trí cho Dự án, vốn ODA chuyển từ vay lại sang cấp phát, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, lãi phát sinh trái phiếu chính phủ bảo lãnh…), tính toán lại tổng thể phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, đảm bảo khả năng trả nợ của VEC trình cấp thẩm quyền quyết định; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về tính chính xác của số liệu báo cáo và tính khả thi của phương án tài chính.

Nếu phương án này được thông qua, VEC sẽ tự cân đối số vốn đối ứng còn thiếu trị giá khoảng 1.807 tỷ đồng từ nguồn thu phí cho Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, thay vì tiếp tục chờ nguồn ngân sách nhà nước.

Cần phải nói thêm, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thông qua chủ trương chuyển vốn vay của Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho VEC, toàn bộ khoản vốn vay ODA đã được tái cấp cho các dự án của đơn vị này, trong đó có tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành. Đến thời điểm này, vốn đối ứng chính là nút thắt cuối cùng cần phải giải quyết để tái khởi động toàn Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Trước đó, ngày 4/7, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 4149/VPCP-KTTH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về vốn đối ứng của Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về việc tiếp tục bố trí vốn đối ứng của Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/7/2022 (kèm theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ); trong đó bổ sung, báo cáo rõ nội dung về tính khả thi của phương án đề xuất; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định.

Phương án tối ưu

Được biết, kể từ năm 2019, Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành không được giao vốn đối ứng từ nguồn ngân sách bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể, tại Thông báo số 702/TB-KTNN ngày 18/12/2018, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc Bộ GTVT phê duyệt Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, trong đó bố trí vốn đối ứng trong nước, mà không báo cáo và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là chưa phù hợp quy định tại khoản 3, Điều 14 và Điều 27, Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, điểm c, khoản 4, Điều 20, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công quy định: “Đối với chương trình, dự án được áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ hoặc vay lại một phần vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chủ dự án bố trí từ vốn chủ sở hữu hoặc nguồn vốn hợp pháp khác của dự án”. Tại Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, VEC là đối tượng vay lại, nên theo quy định hiện hành, đơn vị này có trách nhiệm tự thu xếp vốn đối ứng.

Đặc biệt, từ khi VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc tiếp tục giao vốn đối ứng cho Dự án qua đầu mối nhận kế hoạch là Bộ GTVT chưa phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 49, Luật Ngân sách nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách. “VEC tự bố trí số vốn đối ứng còn lại cho Dự án chính là phương án tối ưu nhất”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Tại văn bản gửi Bộ GTVT hôm 4/7, lãnh đạo VEC cho biết, trường hợp khó khăn về bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, đơn vị này sẽ tự bố trí phần vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 cho Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và 3 dự án đường cao tốc sử dụng vốn ODA khác còn thiếu vốn. Nguồn vốn dự kiến được lấy từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ các tuyến: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Cầu Giẽ – Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Nội Bài – Lào Cai.

“Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua đề án tái cơ cấu các dự án đường cao tốc do VEC đầu tư và Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính hoàn chung dòng tiền 5 tuyến cao tốc do VEC đầu tư, dòng tiền sau thuế của Tổng công ty luôn dương. VEC đảm bảo khả năng trả nợ các khoản vay theo quy định”, lãnh đạo VEC cho biết.

Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư vào tháng 10/2010 và được Bộ GTVT phê duyệt vào ngày 31/12/2014. Dự án có chiều dài 57,8 km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay ADB 13.654,6 tỷ đồng; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 11.975 tỷ đồng và vốn đối ứng là 5.689,7 tỷ đồng.

Theo thông tin từ VEC, sản lượng thi công của công trình này đã đạt khoảng 80%. Dự án được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2019, nhưng do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, trong đó có thủ tục bố trí vốn ODA, vốn đối ứng, nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*