Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc – Nam

100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thu hồi đất cho dự án cao tốc Bắc – Nam



“Nhường” hơn 1.000 ha đất rừng

Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là nội dung đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong Phiên họp thứ 13 vừa qua.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022, tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, với phạm vi đi qua 12 tỉnh, thành phố, sơ bộ sử dụng khoảng 5.481 ha đất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên ở dự án này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thì chưa có điều kiện để xác định diện tích một cách chính xác. Do đó, Nghị quyết của Quốc hội giao thẩm quyền xem xét, quyết định nội dung quan trọng này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính kịp thời trong quá trình triển khai dự án hết sức quan trọng này.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến và quyết định nội dung nói trên được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là một trong những căn cứ quan trọng, là tiền đề để Chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình chuẩn bị dự án chiến lược: đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Về con số cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.054,63 ha, bao gồm 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).

Diện tích đất lâm nghiệp là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha.

Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.537,23 ha.

Tại cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) và phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có một số ý kiến băn khoăn về việc Quốc hội không giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường giải thích, nếu đang là rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng chuyển sang rừng sản xuất thì mới là chuyển mục đích sử dụng rừng; còn ở đây, dù là rừng sản xuất, rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng, thì đều lấy đất để làm đường. Vì thế, Ủy ban Thường vụ quyết định việc này theo ủy quyền của Quốc hội là đúng thẩm quyền.

12 dự án thành phần đã sẵn sàng

Giải trình về số liệu cả đất lúa và đất rừng đều chênh lệch so với con số đã trình Quốc hội, riêng đất rừng tăng thêm hơn 300 ha, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể nói, báo cáo sơ bộ, nên số liệu không chuẩn được; sau đó, cơ quan chức năng đã đi kiểm tra thực tế và cả 12 tỉnh, thành phố đều kiểm tra rất kỹ số liệu này.

Về kinh phí, ông Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định đã “cân đong đo đếm rất kỹ”, dù diện tích đất rừng, đất lúa có tăng, thì vẫn đảm bảo trong phạm vi 146.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua.

Cập nhật thông tin chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời điểm này, hồ sơ của cả 12 dự án thành phần đã chuẩn bị đầy đủ, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, thì sẽ ký phê duyệt ngay.

“12 dự án đã chuẩn bị sẵn sàng, bàn giao mặt bằng cho địa phương 100%, địa phương đã vào kiểm đếm. Sau khi phê duyệt sẽ chính thức bàn giao và chuyển 5.000 tỷ đồng về cho các địa phương và các địa phương sẽ đền bù để tới tháng 10, tháng 11 sẽ có mặt bằng triển khai dự án”, ông Nguyễn Văn Thể cho biết.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng tranh thủ “báo cáo với đồng chí Chủ tịch Quốc hội” là hiện nay, giá cả tăng vọt, thay đổi liên tục, nên cần tranh thủ từng ngày, từng giờ để triển khai dự án. Nếu triển khai chậm, giá cả tăng, thì phải chấp nhận.

Phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu, ngay từ năm 2021, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá tình hình phát triển đường cao tốc và thấy rất chậm. Năm 2021, toàn quốc mới có 1.163 km đường cao tốc, trong khi Trung Quốc có tới 160.000 km, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có hàng chục ngàn km đường cao tốc.

Nêu rõ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000 km và tới năm 2030 phải có 5.000 km đường cao tốc, ông Thành nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất lớn. Trước đây, bình quân một kế hoạch 5 năm chỉ thực hiện được khoảng 400 km đường cao tốc, còn từ nay tới năm 2025, phải có gần 2.000 km đường cao tốc nữa.

Theo Phó thủ tướng, các nghị quyết của Quốc hội đã tạo ra cơ chế rất thông thoáng để rút gọn được các thủ tục đầu tư, trong đó có thu hồi các loại đất và nguồn tài chính cũng rất khả thi.

Về tiến độ, Phó thủ tướng nêu rõ, nếu ngày 30/6, Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt được dự án đầu tư, thì mới bảo đảm tiến độ tới tháng 12/2022 khởi công được 729 km đường cao tốc.

Từ thực tiễn đó, Phó thủ tướng “rất mong Thường vụ Quốc hội quyết định sớm việc thu hồi đất để trên cơ sở đó, Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt được dự án đầu tư”.

Ông Lê Văn Thành cũng cho biết thêm: “Hiện nay, 12 địa phương đang nằm yên hết, vì chưa có dự án đầu tư, thì các địa phương không thể có tiền lập dự án để giải phóng mặt bằng, cho nên đang trông chờ vào quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Phó thủ tướng khẳng định, khi có quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì chỉ sau một ngày là Bộ Giao thông – Vận tải có thể phê duyệt được dự án đầu tư.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành còn đề nghị, trong quá trình thực hiện dự án, nếu có điều chỉnh thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ, tránh tình trạng thực tế có thể chỉ chênh nhau một héc-ta hoặc vài trăm mét vuông đất cũng không làm được.

Biểu quyết sau đó, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt nhất trí thông qua nghị quyết với các con số như đề xuất của Chính phủ.

Làm rõ sự chênh lệch số liệu

Theo Tờ trình số 248 của Chính phủ, sau khi tính toán, chính xác lại số liệu so với Nghị quyết số 44/2022/QH15 thì đất lâm nghiệp cần chuyển đổi là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha (tăng 28,10 ha, tương đương 25,5%), đất rừng sản xuất 1.721,23 ha (tăng 285,23 ha, tương đương 20%); diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.537,23 (tăng 5,23 ha).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân sự chênh lệch số liệu về chiếm dụng diện tích rừng, đất rừng và đất lúa giữa bước chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua và Tờ trình số 248 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án.

Có ý kiến cho rằng, diện tích đất trồng lúa hai vụ đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.573,23 ha, theo đó, tổng số tiền phải nộp để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của chủ đầu tư Dự án là khoảng 388 tỷ đồng. “Do vậy, đề nghị các cơ quan liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối với diện tích đất trồng lúa hai vụ”, ông Thanh báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*