1,1 tỷ người châu Á khó tiếp cận lương thực

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) dẫn bởi tờ Nikkei Asian Review, hơn 1,1 tỷ người tại Châu Á đã lâm vào cảnh khó tiếp cận lương thực (Lacked access to adequate food) trong năm vừa qua do đại dịch, chiến tranh và thay đổi khí hậu.

Cụ thể, nghiên cứu của Tổ chức an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc tế (SOFI) kết hợp cùng 5 cơ quan trực thuộc UN cho thấy hơn 424 triệu người tại Châu Á đã rơi vào cảnh đói ăn (Hunger) trong năm 2021, cao hơn mức 398,2 triệu người năm 2020 và 339,9 triệu người năm 2019.

1,1 tỷ người châu Á khó tiếp cận lương thực - Ảnh 1.

Giá lương thực tăng cao kể từ đầu năm 2020

Trong khi đó, hơn 489 triệu người Châu Á lâm vào cảnh thiếu lương thực tại một thời điểm nào đó (Severely food insecure) trong năm vừa qua, tương đương mức tăng trưởng 112,3 triệu người trong 2 năm qua.

Theo SOFI, việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát cao đẩy giá nhập khẩu lương thực cùng với động thái hạn chế xuất khẩu nông sản ở nhiều nước sẽ làm tăng giá thực phẩm lên cao trong năm nay.

Hàng loạt tin xấu

Chỉ số Food Price Index (FPI) của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) theo dõi một rổ các loại hàng hóa lương thực chủ chốt trên thế giới đã tăng tới 23%.

Đầu tiên, đại dịch Covid-19 cuối năm 2019 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, rồi lại đến cuộc xung đột Ukraine đầu năm 2022 càng khiến tình hình trở nên phức tạp.

Xin được nhắc là cả Nga và Ukraine chiếm đến 30% lượng lúa mỳ xuất khẩu và 1/5 lượng ngô toàn cầu.

Tiếp đó, biến đối khí hậu khiến Ấn Độ, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 2 thế giới phải tuyên bố tạm ngừng bán mặt hàng này dù trước đó đã cam kết sẽ lấp chỗ trống mà Ukraine và Nga để lại.

Thế rồi việc người nông dân Brazil trồng mía chuyển sang cung cấp nguyên liệu chế biến Ethanol trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao cũng khiến giá đường đi lên. Xin được nhắc là vụ hạn hán nghiêm trọng tại Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã khiến nước này bị giảm sản lượng thu hoạch.

Giá thịt gia cầm cũng tăng mạnh sau khi Ukraine, một trong những nhà xuất khẩu lớn chịu ảnh hưởng. Những trận bùng phát cúm gia cầm và gần đây nhất là câu chuyện Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà cũng góp phần làm tình hình căng thẳng hơn.

1,1 tỷ người châu Á khó tiếp cận lương thực - Ảnh 2.

Chi phí lương thực tăng mạnh kể từ đại dịch Covid-19

Mảng sữa cũng chịu chung số phận khi giá tăng cao do chi phí nhân công đi lên, thế rồi tiền nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, chi phí đóng gói, vận chuyển…đều gia tăng. Hậu quả là một loạt mặt hàng liên quan như bơ cũng tăng giá theo.

Trong khi đó, mảng lúa gạo lại đang được giữ giá tốt do những kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc và nhiều nước. Thế nhưng hãng Nomura Holdings nhận định cuối cùng lúa gạo cũng sẽ phải tăng giá khi các nước tìm kiếm lương thực thay thế cho những thực phẩm đắt đỏ hoặc khan hàng trước đó.

“Chỉ số FPI hiện vẫn cao hơn 22,8% so với cùng kỳ năm trước”, chuyên gia Josse Rosero Moncayo của FAP nhận định.

Tương tự, chỉ số giá lương thực FCPI của Ngân hàng thế giới (World Bank) đã tăng hơn 80% so với cách đây 2 năm để đạt mức kỷ lục trong quý I/2022.

Sẽ còn tăng giá

Báo cáo của World Bank cho thấy Châu Á vẫn chưa chứng kiến điều tồi tệ nhất trong bối cảnh rủi ro mất an ninh lương thực lên cao như hiện nay. Hơn 320 triệu người tại Châu Á đang sống trong cảnh cực kỳ nghèo đói, tức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày theo tiêu chuẩn của World Bank.

1,1 tỷ người châu Á khó tiếp cận lương thực - Ảnh 3.

Dân số Châu Á dự kiến còn tăng mạnh

Hiện Châu Á là châu lục đông dân nhất thế giới với 4,6 tỷ người và được dự đoán sẽ tăng thêm 700 triệu người vào 30 năm nữa. Tuy nhiên việc lương thực tăng giá đang đe dọa lớn đến sự bình ổn của nền kinh tế khu vực này.

Đông dân là vậy nhưng Châu Á lại đang có hơn 418 triệu người suy dinh dưỡng (Undernourished) cùng mối lo nuôi dưỡng hàng tỷ người dân.

Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, lạm phát tăng cao do giá lương thực và xăng dầu đi lên đang gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách. Nước láng giềng Sri Lanka thì đã rơi vào khủng hoảng vì vỡ nợ, không có đủ tiền để mua nhu yếu phẩm cho người dân.

Một cuộc khảo sát của Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho thấy 2/3 số hộ gia đình tại Sri Lanka đã phải bị buộc phải giảm lượng lương thực tiêu thụ hàng ngày vì nền kinh tế gặp khủng hoảng.

Trong khi đó, hãng Nomura cảnh báo Singapore, Hàn Quốc, Philippines sẽ chứng kiến giá lương thực tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của lạm phát cũng như các tác động vĩ mô từ nền kinh tế thế giới.

Việc an ninh lương thực bị đe dọa trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến một số quốc gia phải hành động. Gần đây, Ấn Độ đã ban hành lệnh giới hạn xuất khẩu lúa mỳ và đường, Indonesia thì giới hạn bán dầu cọ còn Malaysia thì hạn chế xuất khẩu thịt gà.

Thậm chí, tình hình còn đăng phức tạp hơn do công cuộc chống dịch tại Trung Quốc, sự bùng phát dịch cúm lợn Châu Phi tại Thái Lan và các đợt nắng nóng kỷ lục ở Ấn Độ.

1,1 tỷ người châu Á khó tiếp cận lương thực - Ảnh 4.

Chi phí đầu vào nông nghiệp tăng cao

Ngoài ra, giá năng lượng tăng cao tại Châu Âu vẫn sẽ tiếp diễn càng khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn nữa. Do khí đốt là nguyên liệu chủ chốt làm ra phân bón nên nhiều công ty hóa chất đã phải giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa mảng này vì chi phí đầu vào quá cao, khiến ngành nông nghiệp càng gặp khó.

Trong khi đó, Nga đã hạn chế xuất khẩu phân bón vì bị các lệnh cấm vận của Phương Tây. Theo World Bank, nếu giá năng lượng và phân bón không được bình ổn trở lại thì giá lương thực sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

*Nguồn: Nikkei Asian Review

Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc

https://babfx.com/11-ty-nguoi-chau-a-kho-tiep-can-luong-thuc-20220808110901662.chn

Băng Băng

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*