Bé trai Ấn Độ tử vong vì dây diều cứa cổ

Bé trai Daksh Giri ở thành phố Ludhiana, bang Punjab, miền bắc Ấn Độ hôm 16/8 được bố cho ngồi phía trước khi hai bố con di chuyển bằng xe máy. Họ bị vướng vào sợi dây diều bọc kim loại trên đường. Sợi dây quấn quanh cổ Daksh và cắt vào cổ họng bé. Daksh sau đó tử vong tại bệnh viện.

Những trường hợp tử vong như vậy thường được ghi nhận vào thời điểm này trong năm ở Ấn Độ, khi nhiều người thả diều mừng ngày độc lập khỏi Anh. Một số người tham gia cuộc thi thả diều đã sử dụng dây bọc kim loại dễ giành phần thắng.

Sau những cuộc thi, dây diều vẫn có thể vương lại trên các tòa nhà hoặc cây cối. Người điều khiển xe gắn máy có thể bị vướng vào dây, dẫn đến bị thương ở cổ và có thể tử vong do mất máu.

Lễ hội thả diều quốc tế ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ năm 2018. Ảnh: Reuters.

Lễ hội thả diều quốc tế ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ năm 2018. Ảnh: Reuters.

Những dây diều như vậy đã bị cấm ở Ấn Độ từ năm 2016 vì mối nguy hiểm đối với con người, động vật và chim. Việc bán dây diều bọc kim loại cũng là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, hôm 7/8, Narendra Kumar đang điều khiển xe máy về nhà ở New Delhi sau ca giao đồ ăn muộn thì bị vướng vào dây diều. Trong khi cố thoát khỏi sợi dây, anh ngã xe và bị ôtô cán tử vong.

Hồi tháng 6, Sumit Ranga, 30 tuổi, cũng vướng vào dây diều khi đang đi xe máy. Ranga cố gỡ sợi dây nhưng nó siết sâu hơn vào khí quản và nạn nhân tử vong sau đó tại bệnh viện. Vào tháng 1, một nữ sinh ở bang Madhya Pradesh qua đời trong tai nạn tương tự.

Những cái chết gần đây khiến cảnh sát ở một số bang, bao gồm Delhi, tăng cường nỗ lực ngăn người dân bán diều có dây bọc kim loại. Khi Ấn Độ kỷ niệm 75 năm độc lập hôm 15/8, hàng nghìn con diều được thả ở thủ đô, dẫn đến hàng trăm con chim bị thương sau khi vướng vào dây mắc trên cây.

Thả diều là trò tiêu khiển phổ biến ở Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Bangladesh, đặc biệt trong các lễ hội. Cảnh sát Delhi đang nỗ lực thực thi lệnh cấm thả diều có dây bọc kim loại ở thành phố hơn 20 triệu dân. Chiến lược mới nhất của họ là đến các trường học và kêu gọi học sinh cam kết không mua loại này.

Huyền Lê (Theo Guardian)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*