Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Canada Justin Trudeau ở Montreal ngày 22/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin đang gấp rút xây dựng hạ tầng các cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hệ thống đường ống để tăng cường nhập khẩu, tìm đến những bên như Ottawa để đảm bảo nguồn cung.
“Đức sẽ cần nhiều LNG trong quá trình chuyển đổi năng lượng”, ông Scholz, người đang có chuyến thăm Canada ba ngày từ 22/8, nói. “LNG là thứ không thể thiếu bởi chúng tôi muốn thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga”.
Thủ tướng Trudeau mô tả Canada là “một nhà cung ứng đáng tin cậy về năng lượng sạch cần cho một thế giới không phát thải”. Tuy nhiên, ông hoài nghi việc vận chuyển trực tiếp LNG sang Đức, bởi khoảng cách từ các mỏ khí đốt ở miền tây Canada đến cảng ở Đại Tây Dương để xuất khẩu quá xa.
Ông Trudeau cho rằng một trong những thách thức chính liên quan đến LNG là phải đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng để xuất khẩu. Việc bỏ ra số tiền lớn để xây cảng xuất LNG có thể không khôn ngoan, bởi châu Âu có ý định chuyển đổi nhanh sang một nền kinh tế sạch hơn, Thủ tướng Canada nói thêm.
Theo ông Trudeau, Canada sẽ thúc đẩy các dự án LNG đang triển khai ở bờ tây để cung cấp khí đốt cho châu Á, khu vực cũng đang “khát năng lượng”. Canada bơm thêm khí đốt ra thị trường đồng nghĩa những nhà cung ứng khác như Qatar sẽ có thêm không gian để cung ứng cho Đức cũng như châu Âu.
Đức đang chạy đua tìm nguồn cung thay thế để đảm bảo đủ năng lượng cho mùa đông sắp tới, trong bối cảnh lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất. Hãng khí đốt Nga Gazprom ngày 19/8 còn thông báo dừng đường ống trong ba ngày từ cuối tháng này để bảo dưỡng.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Thủ tướng Scholz trước đó mô tả Đức đang trải qua “giai đoạn khó khăn” nhưng tuyên bố Berlin sẽ “làm hết sức để đảm bảo người dân vượt qua thời gian này”. Ông tự tin Đức có thể bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Nga, với các cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng được xây dựng ở Biển Bắc, dự kiến hoạt động đầu năm 2023.
Đức đặt mục tiêu dừng phụ thuộc năng lượng Nga vào hè năm 2024 và đang tìm kiếm các đơn hàng LNG trên khắp thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo việc tìm đủ nguồn cung LNG cũng là một thách thức trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Như Tâm (Theo AFP, CBC)
Để lại một phản hồi