Cảnh sát Trung Quốc giải cứu gần 150 con mèo trong lò mổ

Khi được cảnh sát giải cứu, những con mèo đang bị nhồi nhét trong những chiếc lồng rỉ sét, chờ bị đem vào lò mổ, nhà hoạt động họ Huang của nhóm bảo vệ quyền động vật VShine ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông hôm 30/8 cho biết.

“Thật sốc khi chứng kiến tình trạng của chúng. Nhiều con gầy trơ xương và kêu gào”, Huang cho hay.

Hầu hết mèo được giải cứu là vật nuôi trong gia đình, nhưng bị một băng nhóm ở địa phương đặt bẫy. Các thành viên băng này đặt chim sẻ vào lồng làm mồi, sử dụng điều khiển từ xa để bẫy những con mèo tiến vào.

Các nhà hoạt động cũng tìm thấy 31 con chim sẻ, loài được bảo vệ ở Trung Quốc, tại hiện trường và thả chúng về tự nhiên.

Những con mèo bị nhốt trong lồng rỉ sét ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: HSI.

Những con mèo bị nhốt trong lồng rỉ sét ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: HSI.

Trung Quốc không có luật ngăn chặn hành vi tàn nhẫn với động vật, nhưng các nghi phạm trong đường dây có thể bị xử lý vì hành vi săn bắt chim, trộm cắp tài sản và vi phạm quy tắc phòng chống dịch bệnh động vật.

Theo Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế (HSI), khoảng 10 triệu con chó và 4 triệu con mèo bị giết làm thực phẩm mỗi năm ở Trung Quốc. Thịt chó mèo được coi là món ngon ở một số vùng của nước này và việc buôn bán chúng vẫn đủ sinh lợi để các băng nhóm trộm chó hoành hành.

Tháng 6 hàng năm, thành phố Ngọc Lâm ở miền nam Trung Quốc đều tổ chức lễ hội thịt chó. Chó và mèo sống cũng được bán làm thực phẩm trong lễ hội này. Truyền thống ăn thịt chó mèo còn được duy trì ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, miền nam Trung Quốc.

“Đây là hai điểm nóng về ăn thịt mèo ở Trung Quốc”, tiến sĩ Peter Li, chuyên gia chính sách Trung Quốc của HSI, cho biết. “Trên toàn bộ lãnh thổ còn lại của Trung Quốc đại lục, thịt mèo hoàn toàn không phải một phần văn hóa ẩm thực”.

Trung Quốc cấm tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã vào năm 2020. Thâm Quyến và Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông đã cấm tiêu thụ thịt chó mèo từ tháng 4 năm đó, trở thành những thành phố đầu tiên ở Trung Quốc làm như vậy.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*