“Chẩn bệnh” chậm tiến độ đại dự án ngành giao thông

Thi công đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây.

Răn đe mạnh

“Chúng tôi đang khẩn trương lên danh sách kiểm tra đợt 1 các dự án, gói thầu có tiến độ bê trễ kéo dài để tổ chức kiểm tra và báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) các biện pháp xử lý. Trước mắt sẽ tập trung vào 4 -5 dự án để làm điểm”, ông Lâm Văn Hoàng, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết.

Đầu tuần trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định số 1104/QĐ-BGTVT tiến hành kiểm tra tổng thể tiến độ thực hiện các dự án; công tác giải ngân vốn đầu tư công của các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị tại các địa phương được Bộ giao làm chủ đầu tư. Trong đó, tập trung kiểm tra đợt 1 đối với các dự án có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2022 và các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân.

“Quyết định thành lập các đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện; phê duyệt kế hoạch chi tiết, nội dung kiểm tra của từng đợt kiểm tra phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý”, Quyết định số 1104 nêu rõ.

Khác với những lần kiểm tra trước đây vốn chỉ chú trọng vào hoạt động của các nhà thầu, trong đợt kiểm tra lần này, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư sẽ là đối tượng chính bị Thanh tra Bộ GTVT tập trung “soi”.

“Ngoài việc kiểm tra nhân sự, bộ máy điều hành của các ban quản lý dự án để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ của chủ đầu tư, các đoàn thành tra sẽ phải đánh giá tính nghiêm túc của các cam kết, tính khả thi của các giải pháp gỡ tiến độ đã bị hụt để báo cáo trung thực tình hình về Bộ GTVT. Nói một cách ngắn gọn, thì chúng tôi đang sắm vai của các “bác sỹ” tới khám, chẩn bệnh và kiến nghị các đơn thuốc sốc lại sinh lực cho các dự án chậm tiến độ”, ông Hoàng ví von.

Mặc dù chưa chốt danh sách chính thức của cuộc kiểm tra, nhưng khả năng rất cao là có sự hiện diện của 4 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2022 phải hoàn thành vào ngày 31/12/2022, gồm đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45; Cam Lộ – La Sơn; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây.

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), tính đến ngày 5/8/2022, 4 dự án thành phần hoàn thành vào năm 2022 nêu trên đạt sản lượng trung bình khoảng 65,5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 3,7%.

Đối với 4 dự án thành phần được xếp vào diện “không được phép chậm tiến độ hoàn thành” nói trên, ngay từ giữa năm 2021, Bộ GTVT đã nhiều lần yêu cầu các ban quản lý dự án, nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày/tuần/tháng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng.

Đặc biệt, đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ, sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, loại trong đấu thầu từ 3 – 5 năm đối với dự án do Bộ GTVT quản lý.

Thay lãnh đạo ban quản lý yếu kém

Chưa cần phải đợi đến khi đoàn kiểm tra của Bộ GTVT nhập cuộc, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đã tự lên “dây cót” cho các công trình bị liệt vào dạng “báo động đỏ”.

Tại Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (bị chậm 12% so với kế hoạch đăng ký vào tháng 3/2022), Ban Quản lý dự án 7 và các nhà thầu thi công đã ký cam kết hoàn thành công trình vào ngày 31/12/2022, với mốc tiến độ thi công, giải ngân được lên rất cụ thể cho từng tuần.

Toàn bộ 12 nhà thầu chính thi công Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết cam kết bố trí đủ tài chính, thiết bị, nếu vi phạm tiến độ đã ký, sẽ chấp nhận hình thức xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7, bao gồm việc chịu phạt 0,05% giá trị hợp đồng cho mỗi ngày vi phạm; cắt chuyển khối lượng bị chậm trễ (gồm các hạng mục bên trên chưa thi công) giao đơn vị khác thực hiện; bị đánh giá năng lực thi công không đáp ứng yêu cầu và đăng tải trên cổng thông tin của Bộ GTVT làm cơ sở để Bộ GTVT xem xét đánh giá không đủ điều kiện tham gia các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết, đơn vị này sẽ tung các cán bộ có kinh nghiệm để bám sát công trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, trong đó ưu tiên hàng đầu là cung ứng đủ vật liệu đất đắp và giải ngân kịp thời, giúp dòng tiền phục vụ thi công không bị đứt quãng.

Ngoài lý do dịch bệnh, tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, thì sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các đơn vị thi công, sự yếu kém của nhân sự thực hiện dự án của một số nhà thầu tại Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết không được ban quản lý dự án chấn chỉnh kịp thời đã dẫn đến công tác nghiệm thu, thanh toán rất chậm, khối lượng tồn tại chưa nghiệm thu lớn, dòng tiền không thể quay lại công trường.

Không chỉ nhà thầu, mà bản thân lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 và các ban quản lý dự án khác trong Bộ GTVT cũng đang phải chịu sức ép rất lớn khi “chiếc ghế” của họ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc hoàn thành các cam kết tiến độ đã ký với Bộ GTVT.

“Các ban quản lý dự án phải tập trung tối đa nhân lực để tháo gỡ các khó khăn. Bộ GTVT không chấp nhận kiểu làm ăn lề mề, dây dưa. Dứt khoát sẽ xử lý nghiêm khắc giám đốc các ban quản lý dự án không hoàn thành nhiệm vụ và thay thế cán bộ trong đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Ba nhóm dự án giao thông có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu (tính đến ngày 28/7/2022)

1. Chậm giải ngân do giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu chậm (3 dự án): Dự án nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (Ban Quản lý dự án 2 quản lý); Tân Vạn – Nhơn Trạch và cầu Rạch Miễu 2 (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận).

2. Chậm giải ngân do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu (8 dự án): Diễn Châu – Bãi Vọt (Ban Quản lý dự án 6; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Ban Quản lý dự án 2); Cam Lộ – La Sơn (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh); Mỹ Thuận – Cần Thơ (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận); Tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (Ban Quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk); Tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau (Ban Quản lý dự án 7); Quốc lộ 37, tỉnh Thái Bình (Sở GTVT Thái Bình); Quốc lộ 21B, tỉnh Hà Nam (Sở GTVT Hà Nam).

3. Giải ngân chậm do hoàn thiện hồ sơ nội nghiệp (1 dự án): Đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*