Chiến dịch Mỹ ném bom siêu núi lửa Hawaii

Siêu núi lửa Mauna Loa nằm ở trung tâm phía nam đảo Hawaii, là một trong những núi lửa lớn nhất thế giới. Nó đã phun trào 33 lần kể từ sự kiện đầu tiên được ghi nhận năm 1843.

Các vụ phun trào của núi lửa Mauna Loa thường tạo ra những dòng dung nham khổng lồ, di chuyển nhanh, có thể đe dọa các khu dân cư ở phía đông và tây đảo Hawaii. Trong lần phun trào vào ngày 21/11/1935, nó tạo ra các dòng dung nham chảy với vận tốc 1,5 km/ngày hướng về thành phố Hilo.

Kỹ thuật viên Mỹ gắn bom lên các oanh tạc cơ trước chiến dịch ngày 27/12/1935. Ảnh: NY Times.

Kỹ thuật viên Mỹ gắn bom lên các oanh tạc cơ trước chiến dịch ném bom siêu núi lửa Mauna Loa ngày 27/12/1935. Ảnh: NY Times.

Để ngăn chặn mối đe dọa, Thomas Jagger, người sáng lập Đài quan sát Núi lửa Hawaii, đề xuất dùng thuốc nổ mạnh để giật sập các ống dung nham bên dưới miệng núi lửa và chặn dòng chảy.

Ông lên phương án dùng la thồ hàng tấn thuốc nổ TNT lên miệng núi lửa để làm điều đó, nhưng việc này mất nhiều thời gian và không phù hợp với tình hình khẩn cấp khi núi lửa phun trào. Quân đội Mỹ được yêu cầu hỗ trợ.

Ngày 27/12/1935, Quân đoàn Không lực Lục quân Mỹ, tiền thân của không quân Mỹ, triển khai 10 oanh tạc cơ Keystone B-6A tấn công núi lửa Mauna Loa.

Oanh tạc cơ Keystone B-6A luyện tập ném bom để thực hiện phương án đối phó dòng dung nham núi lửa Mauna Loa. Ảnh: Không quân Mỹ.

Oanh tạc cơ Keystone B-6A luyện tập ném bom để thực hiện phương án đối phó dòng dung nham núi lửa Mauna Loa. Ảnh: Không quân Mỹ.

Theo kế hoạch, mỗi máy bay mang hai quả bom nặng 270 kg để thả xuống miệng núi lửa Mauna Loa nhằm bịt ống dung nham. Chiến dịch được tiến hành thuận lợi, dù một số oanh tạc cơ Mỹ ném bom thiếu chính xác, vài quả rơi cách mục tiêu hàng trăm mét.

Sáu ngày sau vụ ném bom, dòng dung nham đã bị chặn đứng và Jagger tuyên bố nhiệm vụ đã thành công ngoài mong đợi.

Tuy nhiên, nhà địa chất học Harold Stearns, người có mặt trên một oanh tạc cơ tham gia vụ ném bom, tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của kế hoạch này. “Thành ống dung nham cao 8-15 mét và nằm sâu trong dòng dung nham, nên tôi nghĩ các quả bom không thể phá vỡ thành ống”, ông nhận định.

Cột khói bốc lên sau khi một quả bom phát nổ trong chiến dịch ngày 27/12/1935. Ảnh: NY Times.

Cột khói bốc lên sau khi một quả bom phát nổ trong chiến dịch ngày 27/12/1935. Ảnh: NY Times.

Jagger vẫn khẳng định phương án ném bom núi lửa đã phát huy hiệu quả. “Rõ ràng chặn ống dung nham dưới lòng núi lửa đã giúp giảm tốc độ dòng chảy. Tốc độ trung bình của dòng dung nham 5 ngày sau vụ ném bom là khoảng 305 m/ngày, so với mức 1,5 km/ngày trước đó”, ông nói.

Không quân Mỹ tiếp tục ném bom xuống núi lửa Mauna Loa vào năm 1975 và 1976, nhằm thử nghiệm khả năng nắn dòng chảy dung nham bằng bom nặng 907 kg. Hiệu quả của phương án này vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học, khi một số chuyên gia cho rằng nó chỉ phát huy tác dụng trong những điều kiện phù hợp.

Mỹ sau đó phát triển loại bom siêu xuyên phá GBU-57/B MOP nặng gần 15 tấn, mang theo 2,5 tấn thuốc nổ, giúp nó có khả năng xuyên phá mục tiêu ở sâu dưới lòng đất hơn 60 m. Tuy nhiên, quân đội Mỹ chưa từng sử dụng GBU-57/B MOP để đối phó với núi lửa.

Duy Sơn (Theo National Interest)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*