Cuộc chiến hồ sơ mật của ông Trump

Trong gần ba tuần kể từ khi FBI khám xét nhà cựu tổng thống Donald Trump ở Florida để thu hồi các tài liệu mật, Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia (NARA) đã trở thành mục tiêu của hàng loạt mối đe dọa và công kích, theo những người am hiểu tình hình. Những hành động chưa từng có tiền lệ đó khiến nhiều công chức được giao nhiệm vụ lưu trữ và bảo vệ hồ sơ của chính phủ Mỹ lo lắng.

Ngày 24/8, người đứng đầu NARA Debra Steidel Wall gửi một email cho nhân viên cơ quan, truyền tải một thông điệp ngắn gọn: Tránh xa ồn ào và tập trung vào nhiệm vụ.

“NARA đã nhận được nhiều tin nhắn từ người dân, có người cáo buộc chúng tôi tha hóa và chống lại cựu tổng thống Donald Trump, nhưng cũng có người chúc mừng NARA vì đã ‘hạ bệ’ ông ấy. Cả hai luồng ý kiến đó đều không chính xác và không được hoan nghênh”, Steidel viết trong email.

Email này phần nào thể hiện cuộc chiến kéo dài giữa NARA và ông Trump liên quan đến những hồ sơ, tài liệu mà cựu tổng thống đã mang ra khỏi Nhà Trắng sau khi mãn nhiệm.

Các quan chức NARA từng tìm mọi cách liên hệ để thuyết phục Trump cùng các đại diện của ông tuân thủ quy định luật pháp, trả lại số tài liệu đó. Khi NARA thu hồi 15 thùng tài liệu từ dinh thự của Trump ở Mar-a-Lago hồi tháng 1, họ nhận được một đống giấy tờ được sắp xếp lộn xộn. Những tài liệu mật quan trọng được để lẫn với các mẩu báo và thực đơn bữa tối. NARA khi đó tin rằng nhiều tài liệu vẫn còn được cất giấu tại Mar-a-Lago.

Những gì xảy ra tiếp theo là một bước đi bất ngờ của NARA, cơ quan lưu trữ được ví như “người gác cổng tài liệu mật” của chính phủ Mỹ, khi họ đệ trình vấn đề này lên Bộ Tư pháp, mở ra một chương đầy kịch tính trong cuộc chiến với Trump.

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở Dallas, Texas, Mỹ hôm 6/8. Ảnh: Reuters.

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở Dallas, Texas, Mỹ hôm 6/8. Ảnh: Reuters.

Sau khi FBI tiến hành cuộc khám xét dinh thự Mar-a-Lago ngày 8/8, Trump và đồng minh đã tung ra một loạt lời công kích nhắm vào một trong những cơ quan phi chính trị nhất của bộ máy liên bang. “Họ có thể có nó bất kỳ lúc nào họ muốn. Và tất cả những gì họ phải làm là hỏi tôi”, ông Trump nói. “Vấn đề lớn hơn là họ sẽ làm gì với 33 triệu trang tài liệu, trong đó có cả tài liệu mật, mà tổng thống Barack Obama mang tới Chicago?”.

Ông Trump đang đề cập tới số tài liệu đã giải mật được lưu trữ tại một cơ sở của NARA ở ngoại ô Chicago, dự định sử dụng cho thư viện tổng thống tương lai của ông Obama. Hôm 26/8, cảnh sát địa phương đã phải tăng cường tuần tra xung quanh tòa nhà, sau khi các cuộc thảo luận về cơ sở này tăng đột biến trên mạng xã hội.

Cựu quan chức NARA Trudy Peterson bày tỏ lo ngại những bình luận của Trump đang làm tổn hại hình ảnh của cơ quan lưu trữ trong mắt công chúng. “Hệ thống sẽ không hoạt động nếu tính trung lập của cơ quan lưu trữ quốc gia không được bảo vệ”, Peterson nói.

Hồi tháng 6, khi Bộ Tư pháp tăng cường nỗ lực thu hồi tài liệu mật tại Mar-a-Lago, Trump đã chỉ định hai luật sư mới, gồm Kash Patel và John Solomon, nhằm công bố các tài liệu mà họ cho rằng sẽ minh oan cho cựu tổng thống và gây tổn hại cho FBI.

Patel, cựu trợ lý Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, đã nhiều năm tìm cách làm mất uy tín các cuộc điều tra về mối quan hệ giữa chiến dịch của Trump với cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Gần đây, ông quảng bá một cuốn sách cho trẻ em về bê bối này, trong đó ông là một phù thủy giúp làm sáng tỏ âm mưu chống lại “Vua Donald”.

Sau khi FBI khám nhà Trump, Patel tuyên bố rằng đây là một phần trong nỗ lực không ngừng nghỉ của FBI nhằm che giấu những tài liệu đó.

Solomon, người điều hành trang web bảo thủ JustTheNews, đã công bố bức thư của lãnh đạo NARA Steidel Wall gửi tới các đại diện pháp lý của Trump, thông báo với họ về quyết định cho phép FBI tiếp cận các thùng tài liệu được thu hồi vào tháng 1. Ông tuyên bố bức thư là bằng chứng về “nỗ lực của Nhà Trắng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra hình sự nhắm vào người mà ông Joe Biden đã đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2000”.

Tuy nhiên, cuộc chiến của NARA nhằm thu hồi tài liệu từ Trump không phải bắt đầu sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Gary M. Stern, luật sư hàng đầu của NARA, đã yêu cầu các luật sư của Trump trả lại hơn 20 thùng tài liệu trước khi rời Nhà Trắng. Cố vấn Pat Cipollone của Trump đã đồng ý với Stern, nhưng Trump sau đó đã không trao trả chúng.

Trong nhiều tháng, Stern đã gửi mail và gọi điện cho các cố vấn của Trump. “Chúng tôi biết mọi thứ rất hỗn loạn. Nhưng điều hoàn toàn cần thiết là chúng tôi phải có được tất cả tài liệu của tổng thống”, Stern viết trong một email hồi tháng 5.

Tại NARA, quyết định cho phép FBI tiếp cận 15 thùng tài liệu không được đưa ra một cách dễ dàng. Steidel Wall, bắt đầu làm việc tại NARA từ năm 1991 với tư cách là thực tập sinh, đã cân nhắc và tham khảo ý kiến của các lãnh đạo cấp cao trong cơ quan.

“Những người xử lý việc này là những công chức chuyên nghiệp và từng giải quyết nhiều vấn đề nhạy cảm trong cả nhiệm kỳ tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa”, một cựu quan chức NARA cho hay. “Chúng tôi luôn cố gắng tránh xa chính trị và thực hiện công việc của mình. Nếu hồ sơ bị mất, không quan trọng đó là do đảng Cộng hòa hay Dân chủ, chúng tôi cần đưa chúng trở lại”.

Ngày 27/8, lãnh đạo các ủy ban tình báo và giám sát Hạ viện Mỹ ra tuyên bố cho hay Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đã xác nhận Bộ Tư pháp và cộng đồng tình báo đang cùng nhau đánh giá thiệt hại có thể xảy ra khi tài liệu mật được lưu giữ không đúng cách ở Mar-a-Lago. Tờ trình xin lệnh khám xét của FBI được Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 26/8 cho thấy 184 tài liệu mật đã được tìm thấy trong 15 thùng hồ sơ mà NARA thu hồi từ dinh thự Trump hồi tháng 1.

“Tờ trình đã xác nhận mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi rằng trong số các hồ sơ được lưu trữ ở Mar-a-Lago có những tài liệu có thể gây nguy hiểm cho nhân lực trong chính phủ Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải Cách Carolyn B. Maloney và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam B. Schiff cho hay.

Trong lịch sử Mỹ, các tổng thống thường giữ lại tài liệu riêng sau khi mãn nhiệm và quyền sở hữu cá nhân của họ với những hồ sơ đó chưa từng bị thách thức, Stern, luật sư của NARA, cho biết trong bài báo năm 2006.

Khi tổng thống Richard Nixon từ chức, ông đã lên kế hoạch tiêu hủy hồ sơ Nhà Trắng, gồm cả các đoạn băng ghi âm tại Phòng Bầu dục được xem là tâm điểm của bê bối Watergate. Quốc hội đã vào cuộc và thông qua Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, yêu cầu Nhà Trắng lưu trữ tất cả thông tin liên quan tới nhiệm vụ chính thức của tổng thống, gồm các bản ghi nhớ, thư từ, ghi chú, email, fax và các tài liệu khác, để chuyển cho NARA.

Năm 2005, Sandy Berger, cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Clinton, đã thừa nhận tiêu hủy các tài liệu mật của NARA liên quan tới cuộc điều tra ủy ban 11/9. Vụ án đó được giám sát bởi Christopher A. Wray, khi đó là người đứng đầu Cục Hình sự của Bộ Tư pháp và hiện là Giám đốc FBI.

“Nhân viên NARA đã quen với các tranh cãi liên quan tới hồ sơ lưu trữ. Tuy nhiên, vấn đề lần này đặc biệt hơn. Không có tài liệu nào trong số hồ sơ tổng thống nên được lưu giữ ở Mar-a-Lago. Nhân viên NARA đã nỗ lực phi thường để thu hồi hồ sơ, dù bị từ chối nhiều lần”, Jason R. Baron, giáo sư Đại học Maryland, nói.

Trump được cho là đã phớt lờ lời khuyên của các trợ lý về việc tuân thủ quy định của Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, kiên quyết lưu giữ các hồ sơ tại dinh thự riêng. Trump nhiều lần phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào vì từ chối giao nộp tài liệu, đôi khi cho rằng các hồ sơ đó là của ông và không cần trả lại cho NARA.

Mọi người chờ xe tải chuyển đồ sau khi nhiều thùng tài liệu được chuyển khỏi tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower trong Nhà Trắng hôm 24/1/2021. Ảnh: AP.

Những thùng tài liệu được chuyển khỏi tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower trong Nhà Trắng hôm 24/1/2021, sau khi Trump mãn nhiệm. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, ngay cả một số cố vấn thân cận nhất của Trump cũng không lường trước được rằng những gì họ xem là cuộc đối đầu với NARA đã dẫn tới cuộc điều tra nghiêm túc của FBI. Nếu bị truy tố với cáo buộc vi phạm luật liên bang trong việc giữ và tiêu hủy tài liệu mật trái phép, họ có thể đối mặt án tù 5 năm.

John Laster, một quan chức NARA, cuối năm ngoái nói với cố vấn của Trump rằng kể từ khi Đạo luật Hồ sơ Tổng thống ra đời, các ông chủ Nhà Trắng thường vô tình mang theo tài liệu sau khi mãn nhiệm. Do đó, khi Trump đồng ý trả lại 15 thùng tài liệu hồi tháng 1, một cố vấn đã nói “tôi nghĩ mọi chuyện đã kết thúc. Chúng tôi cho rằng ông ấy đã trả lại toàn bộ số tài liệu đó”.

Cố vấn của Trump chỉ nhận ra vấn đề đang trở nên nghiêm trọng hơn khi NARA nói họ nghi ngờ nhiều tài liệu mật vẫn chưa được trả lại. “Nhưng họ không nói cho chúng tôi biết mọi thứ, chỉ nghĩ rằng mọi thứ chưa được trả lại hết. Không ai thấy NARA đề cập bất kỳ điều gì đến FBI”, một cố vấn của Trump nói.

Một số quan chức NARA tin rằng công việc của họ chưa được hoàn thành khi nhiều hồ sơ mật có thể đang thất lạc.

“Lợi ích căn bản của chúng tôi luôn là đảm bảo hồ sơ của chính phủ phải được quản lý, bảo quản và bảo vệ đúng cách để đảm bảo những người tiếp cận chúng đều phục vụ lợi ích của nước Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình, không thiên vị hay sợ hãi, để bảo vệ nền dân chủ”, Steidel Wall nhấn mạnh.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

  • Tính toán của ông Trump trong cuộc đấu với Bộ Tư pháp Mỹ
  • Lý do có thể khiến ông Trump trữ tài liệu mật
  • Dinh thự Trump – ác mộng của tình báo Mỹ
  • Mỹ phân loại tài liệu mật thế nào?
  • Những lần ông Trump bất cẩn với thông tin mật

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*