Cuộc sống ở thành phố ven eo biển Đài Loan

Trung Quốc ngày 4/8 khởi động loạt cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước tới nay để đáp trả chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Các đợt diễn tập bắn đạn thật, phóng tên lửa đạn đạo đã làm gián đoạn hoạt động của tàu thuyền, máy bay ở eo biển Đài Loan, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Nhưng trên bãi biển rợp bóng cọ ở Hạ Môn, thành phố thuộc tỉnh Phúc Kiến ở phía tây eo biển rộng gần 200 km ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc đại lục, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, bất chấp tình hình diễn biến căng thẳng.

Cuộc sống ở thành phố ven eo biển Đài Loan

Cuộc sống ở thành phố ven eo biển Đài Loan

Bãi biển thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, ngày 3/8. Video: AFP

“Chiến tranh ư? Không, tôi không quan tâm”, Huang, một nhân viên IT trẻ, nói lúc đang đi dạo giờ nghỉ trưa trên bãi biển Hạ Môn.

“Người Phúc Kiến đã quá quen với căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Chúng tôi đã sống trong tình hình như vậy suốt nhiều thập kỷ”, anh nói, đề cập tới những lần căng thẳng giữa hai bên từ những năm 1950.

Tỉnh Phúc Kiến ở miền đông Trung Quốc chỉ cách Đài Loan một eo biển, cùng chung nền văn hóa cũng như ngôn ngữ bản địa.

“Chuyện không hay có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nhưng khả năng này rất thấp, vì vậy chúng tôi không lo lắng”, Huang nói. “Nhưng chuyến thăm của bà Pelosi đã phá vỡ thế cân bằng vốn có”.

Người dân Hạ Môn dường như không lo lắng trước tình hình căng thẳng. Một đôi nam nữ tươi cười tạo dáng chụp ảnh cưới trên bãi biển, vài người dắt chó đi dạo, trẻ con vui đùa trên cát.

“Tôi nghĩ sẽ không xảy ra chiến tranh, hy vọng thế”, Zheng Dahai, 30 tuổi, người đưa con trai tới cắm trại trên bãi biển, nói. “Xung đột sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng tôi, thậm chí có thể gây thương vong”.

Vị trí Hạ Môn và Kim Môn ở eo biển Đài Loan. Đồ họa: Google Maps.

Vị trí Hạ Môn và Kim Môn ở eo biển Đài Loan. Đồ họa: Google Maps.

Phía sau anh, cách bãi biển Hạ Môn 6 km, là đảo Kim Môn, nơi có hơn 100.000 người Đài Loan sinh sống. Đây là một trong những đảo tiền tiêu do Đài Loan kiểm soát nằm rất gần với bờ biển Trung Quốc đại lục.

Điều này khiến bãi biển ở Hạ Môn là một trong số ít nơi mà lực lượng quân sự của Trung Quốc đại lục và Đài Loan đối mặt nhau ở khoảng cách gần như thế.

“Chúng tôi không muốn chiến tranh. Chúng tôi muốn sống trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau”, một người đàn ông đã nghỉ hưu thường tới đây bơi lội mỗi ngày, kể cả mùa đông, nói. “Nhưng nếu có người không tôn trọng ta, tới để bắt nạt ta, lại là chuyện khác. Dù phe kia mạnh cỡ nào, một lão già như tôi cũng sẽ đánh tới cùng!”

Cô dâu chụp ảnh cưới trên bãi biển thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, ngày 3/8. Ảnh: AFP

Cô dâu chụp ảnh cưới trên bãi biển thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, ngày 3/8. Ảnh: AFP

Ở phía xa, hai du khách đang chụp ảnh selfie trước cột đá cao vài mét khắc 8 chữ Hán mang ý nghĩa “Một quốc gia, hai chế độ, thống nhất Trung Quốc”, đề cập tới thỏa thuận chính trị đã đưa Hong Kong và Macau quay lại với Trung Quốc đại lục vào thập niên 1990.

“Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”, Hu, 40 tuổi, người chạy bộ trên bãi biển, nói. “Sớm hay muộn thì Đài Loan cũng quay về” với Trung Quốc đại lục, anh tuyên bố, trước khi tiếp tục bài tập thể dục của mình.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*