Đồng Nai buông tay trả dự án đầu tư đường sắt

Công nhân sửa chữa đoạn đường sắt quốc gia đi qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Anh Quân

Bắt tay vào làm là vướng đủ thứ

Sau khi giao một số địa phương là cơ quan có thẩm quyền đầu tư đường cao tốc, một số địa phương muốn đứng ra làm đầu mối đầu tư cả các tuyến đường sắt đi qua địa phương mình. Trong đó, Đồng Nai là địa phương đầu tiên có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh thực hiện các dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, Đồng Nai đã thấy phát sinh rất nhiều vướng mắc, từ pháp lý đến năng lực quản lý đầu tư xây dựng và quan trọng nhất là nguồn vốn chưa xác định được.

Chính vậy, cuối tháng 7/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 7669 gửi Bộ GTVT, kiến nghị để Bộ GTVT đầu tư 2 tuyến đường sắt này, thay vì giao địa phương đầu tư như trước đó.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu, theo quy định của Luật Đường sắt 2017, thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT vì đây là 2 tuyến đường sắt quốc gia.

Hơn nữa, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý Dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu vào tháng 10/2019. Ban Quản lý Dự án đường sắt đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 tuyến này. Dự kiến sẽ có kết quả lựa chọn đơn vị tư vấn trong quý III/2022.

Trong văn bản trên, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giải thích rằng, việc Bộ GTVT tổ chức đầu tư xây dựng 2 tuyến đường sắt có nhiều thuận lợi, vì Bộ có Ban Quản lý Dự án đường sắt là đơn vị trực thuộc có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đường sắt.

Hơn nữa, đây là 2 tuyến đường sắt có nguồn vốn đầu tư rất lớn, dự kiến cần huy động thêm các nguồn vốn vay từ các tổ chức nước ngoài. Là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ tổ chức đầu tư xây dựng, Bộ GTVT sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn vay từ các tổ chức nước ngoài.

Tỉnh Đồng Nai cũng phân tích rõ, trong trường hợp giao tỉnh là cơ quan tổ chức đầu tư 2 tuyến đường sắt này, về thẩm quyền, là chưa phù hợp với quy định của Luật Đường sắt năm 2017. Bên cạnh đó, khi đầu tư, cần báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt theo khoản 1, Điều 12, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Đồng thời, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, nên thời gian thực hiện thủ tục sẽ dài hơn so với Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng.

“Đây là 2 dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao. Dự kiến sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực đường sắt, nên đây là nhược điểm nếu giao tỉnh Đồng Nai triển khai dự án”, bà Nguyễn Thị Hoàng giải thích trong văn bản gửi Bộ GTVT.

Từ những vướng mắc trên, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư 2 tuyến đường sắt đi qua Đồng Nai.

Địa phương đủ năng lực vẫn có thể giao đầu tư

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến về Dự thảo báo cáo tổng kết Luật Đường sắt 2017. Trong Dự thảo, cơ quan này đề xuất phân quyền cho UBND tỉnh, thành phố đầu tư hạ tầng đường sắt. Đặc biệt, đối với các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn từ 2 tỉnh, thành trở lên, UBND tỉnh chỉ được phân quyền sau khi có ý kiến của Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Phân tích ở góc độ chuyên môn, GS-TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cho biết, việc đầu tư đường sắt đòi hỏi vốn rất lớn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố kỹ thuật đặc thù, nên khi triển khai đầu tư phải có cơ quan chuyên ngành đường sắt tham gia. Tuy nhiên, khi đầu tư, có thể giao vai trò chủ đầu tư cho những cơ quan ngoài Bộ GTVT, miễn là cơ quan đó có đủ năng lực, trong đó các tỉnh, thành phố. Trường hợp giao địa phương đầu tư thì địa phương đó phải trình được phương án khả thi, như phương án kêu gọi vốn, kế hoạch triển khai…

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành dài 37,5 km, với điểm đầu ở ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối tại sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư của Dự án là 40.566 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức PPP.

Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu dài 65 km, với điểm đầu ở ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Dự án có tổng mức đầu tư 50.822 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức PPP.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*