Phối cảnh Dự án Cảng hàng không Phan Thiết |
Những điểm cấn cá nhất
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Thông báo số 44/TB-BKHĐT về kết luận của Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT (Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết).
Mặc dù có tới 10 nhóm vấn đề mà UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phải khẩn trương rà soát, giải trình, nhưng phương án tài chính và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư được lựa chọn – Công ty cổ phần Rạng Đông vẫn là những điểm cấn cá nhất.
Theo hồ sơ điều chỉnh của UBND tỉnh Bình Thuận, tổng vốn đầu tư Dự án (cả 2 giai đoạn) là 4.812,789 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.180 tỷ đồng (chiếm 24,6%). Qua xem xét Báo cáo tài chính năm 2021 (được kiểm toán) của Công ty cổ phần Rạng Đông, Hội đồng Thẩm định liên ngành nhận thấy, nguồn vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư này có thể huy động chỉ khoảng 521 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngắn hạn của Công ty cổ phần Rạng Đông cũng chủ yếu là phần phải thu và hàng tồn kho.
“Khả năng để có đủ nguồn vốn đối ứng cho Dự án là chưa chắc chắc, đề nghị nhà đầu tư làm rõ thêm”, Thông báo số 44 nêu rõ.
Được biết, trước khi Hội đồng Thẩm định liên ngành nhóm họp (4/7/2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực Hội đồng đã nhận được Văn bản số 887.CV/DADT-RĐ của nhà đầu tư kèm theo Báo cáo tài chính quý I/2022, trong đó có cập nhật số liệu về năng lực tài chính của Công ty cổ phần Rạng Đông, chứng minh tài chính của Công ty là đủ để thực hiện giai đoạn 1 Dự án. Tuy nhiên, báo cáo tài chính này lại chưa được kiểm toán theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 về việc quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Không chỉ vướng về phần vốn chủ sở hữu, việc huy động vốn tín dụng để thực hiện Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết cũng được Hội đồng Thẩm định liên ngành yêu cầu làm rõ.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vốn vay từ tổ chức tín dụng để thực hiện Dự án mà nhà đầu tư dự kiến trong giai đoạn I là 2.787 tỷ đồng, thời gian vay vốn là 15 năm, trong đó 9 năm đầu khai thác công trình không có khả năng trả nợ.
Tại Công văn số 3769/NHNN-TD, NHNN ghi nhận việc Ngân hàng VietinBank đã có Xác nhận cung cấp tài chính số 600-XNCCTC202201 ngày 11/5/2022, trong đó đồng ý cung cấp tài chính hoặc làm đầu mối cung cấp tài chính cùng các tổ chức tín dụng khác với số tiền tối đa là 2.787 tỷ đồng, song với điều kiện tại thời điểm cấp tín dụng, Công ty cổ phần Rạng Đông và khoản tín dụng đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.
“Đây là văn bản cam kết có điều kiện. Việc cho vay phụ thuộc vào việc đáp ứng các điều khoản cấp tín dụng theo quy định”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN phân tích.
Trước đó, vào tháng 5/2021, NHNN đã có Công văn số 3724/NHNN-TD gửi Hội đồng Thẩm định liên ngành và UBND tỉnh Bình Thuận. Tại công văn này, NHNN cho rằng, với phương án tài chính có hiệu quả không cao, Dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng.
“Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận cần xây dựng các phương án huy động vốn để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn vốn cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thu xếp vốn thực hiện Dự án”, NHNN khuyến nghị.
Hụt tiến độ sâu
Một điểm lo ngại khác mà NHNN đưa ra cảnh báo là thời gian hoàn vốn của Dự án lên tới 44 năm, trong khi nhà đầu tư tư nhân chưa có kinh nghiệm quản lý, khai thác và các yếu tố liên quan đến doanh thu/chi phí khai thác trong thời gian dài rất khó dự báo, dẫn đến rủi ro cho các bên liên quan.
Được biết, tính khả thi về phương án tài chính cũng được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) nêu ra khi góp ý hồ sơ điều chỉnh Dự án BOT cảng hàng không Phan Thiết.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo nội dung tính toán các chỉ tiêu tài chính và kế hoạch trả nợ vay, dòng tiền 9 năm đầu sau khi đưa công trình vào khai thác bị âm (từ năm 2025 đến năm 2035). Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cân nhắc thêm các phương án để đảm bảo tính khả thi về tài chính như tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, tăng phần vốn góp của địa phương hoặc kết hợp cả hai phương án trên.
Một lo ngại nữa tại Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết là tiến độ triển khai công trình đã bị tụt rất sâu so với hợp đồng BOT (hoàn thành vào quý IV/2018) cũng như Dự án Đầu tư khu bay quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư (quý III/2023).
“UBND tỉnh Bình Thuận cần có giải pháp rút ngắn tiến độ triển khai hạng mục dân dụng để có thể khai thác đồng bộ công trình, phát huy hiệu quả đầu tư”, ông Lê Anh Tuấn đề xuất.
Dự án bao gồm 2 hạng mục: Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng đầu tư theo hình thức BOT do UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư; Dự án Đầu tư khu bay quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư.
Tháng 9/2016, Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng được phê duyệt là sân bay cấp 3C, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm với nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty cổ phần Rạng Đông.
Tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông – vận tải hàng không, định hướng đến năm 2030, trong đó quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết được điều chỉnh lên cấp 4E. Do đó, Dự án buộc phải thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi công trình.
Để lại một phản hồi