Giới đầu tư nín thở chờ Chủ tịch Fed; Trung Quốc hạ lãi suất và 6 tháng xung đột Nga – Ukraine

Hội nghị thường niên Jackson Hole

Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole là diễn đàn thường niên dành cho các ngân hàng trung ương, bộ trưởng tài chính, học giả và những người tham gia thị trường tài chính từ khắp nơi trên thế giới, được tổ chức hàng năm từ năm 1978 tại Jackson Hole, Wyoming.

Thông tin quan trọng của tuần sau sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell tại Jackson Hole có tiêu đề “Triển vọng kinh tế” dự kiến diễn ra vào ngày thứ Sáu. Giới đầu tư kỳ vọng Fed có thể đưa ra những tín hiệu gợi mở câu trả lời cho các câu hỏi: Nền kinh tế Mỹ đang ra sao? Việc thắt chặt tiền tệ được tiến hành như thế nào cho tới cuối năm? Mức tăng lãi suất là bao nhiêu?…

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trở lại trong mùa hè vừa qua, bất chấp những cảnh báo của Fed về lạm phát và các động thái “xoay trục” của chính sách tài chính tiền tệ.

Một số nhà đầu tư tin rằng, Chủ tịch Jerome Powell, sẽ một lần nữa làm giảm sự lạc quan của thị trường, nhắc nhở các nhà đầu tư rằng sẽ có thêm một báo cáo lạm phát và một số việc khác phải làm trước cuộc họp tháng 9 của Fed.

PMI của châu Âu giảm mạnh

Giới đầu tư toàn cầu đang lo ngại nền kinh tế châu Âu đang tiến vào suy thoái. Theo đó, con số PMI tháng 8 được công bố vào thứ Ba (23/8) sẽ là chỉ số được chú ý.

Trước đó, một số dữ liệu cho thấy, hoạt động kinh doanh đã suy giảm trong tháng qua, khi PMI tổng hợp do S&P Global công bố giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng, đạt 49,9 điểm trong tháng 7. Nền kinh tế khu vực châu Âu đang vật lộn với giá nguyên liệu tăng cao và thiếu hụt nguồn cung, lạm phát tăng mạnh trong môi trường lãi suất cao hơn.

Thứ Ba tuần này, số liệu PMI sơ bộ của Mỹ và Anh cũng sẽ được công bố.

Trung Quốc chọn lối đi riêng

Gần đây, Trung Quốc đã thực hiện hạ lãi suất một vài lần, nhưng giới đầu tư và chuyên gia vẫn đang hoài nghi không biết liệu chính quyền Bắc Kinh có thêm động thái nào hỗ trợ cho nền kinh tế sau khủng hoảng tại thị trường bất động sản và các hoạt động phong toả chống dịch tác động nặng nề tới kinh tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày thứ Hai (15/8) đã gây bất ngờ cho thị trường khi giảm lãi suất cho vay cho vay cơ bản (Loan Prime Rate, LPR) đối với khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm – lãi suất cơ sở cho các khoản vay kinh doanh và thế chấp. Đây là lần giảm thứ 2 trong năm nay, nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế.

PBOC đang khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và đổ tiền vào hệ thống tài chính. Nhưng nhu cầu vay lúc này rất thấp bởi các doanh nghiệp lo lắng về triển vọng kinh tế và người tiêu dùng cảnh giác với giá bất động sản lao dốc.

Các khoản vay mới sụt giảm tại Trung Quốc, thể hiện nhu cầu tín dụng yếu

Các chỉ số giá cả tại Mỹ

Thị trường đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh hay tiếp tục duy trì tại mức cao nhất 4 thập kỷ qua. Do đó, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới chỉ số dùng cá nhân của Mỹ – công cụ mà Fed ưa thích sử dụng để xem xét điều chỉnh chính sách – được công bố vào ngày 26/8.

Bên cạnh đó, dữ liệu về doanh số bán nhà mới sẽ được công bố vào thứ Ba (23/8), và dữ liệu về đơn đặt hàng lâu bền sẽ được công bố vào thứ Tư (24/8).

6 tháng kể từ khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra

Thứ Tư (27/8) sẽ đánh dấu mốc 6 tháng diễn ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Sự kiện này là nguyên nhân chính gây ra những lo lắng về suy thoái kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu, nơi bùng phát cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng.

Cụ thể, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 3 lần chỉ tính từ tháng 6/2022 tới nay. Nhiều quốc gia châu Âu buộc phải áp dụng các biện pháp như phân phối/áp hạn mức với khí đốt. Hiện giá dầu đã giảm so với thời điểm cuộc chiến bắt đầu nổ ra, nhưng đây vẫn là cơn đau đầu của các thị trường tài chính toàn cầu.

Các thị trường có độ nhạy cảm cao khác cũng biến động mạnh. Giá lúa mì và ngô – những mặt hàng mà Ukraine và Nga đều là những nhà cung cấp khổng lồ hiện đã giảm giá trở lại, mặc dù trong vài tháng qua có nhiều khoảng thời gian lúa mì và ngô có giá cao kỷ lục.

Diễn biến giá tại các thị trường dầu, khí đốt, lúa mì và ngô trước và sau khi chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*