Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp. |
Chiều 29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường, xem xét việc sử dụng vốn từ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đầu năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, quyết định tăng chi từ nguồn Ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả phân bổ vốn dự kiến cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (176.000 tỷ đồng), Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng số 176.000 tỷ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ, số vốn Thủ tướng Chính phủ đã thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư là 172.568 tỷ đồng cho 264 nhiệm vụ, dự án để hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Số vốn còn lại chưa thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 3.432 tỷ đồng, trong đó có 2.500 tỷ đồng chưa đủ điều kiện và 932 tỷ đồng đã thông báo, nhưng bộ, địa phương đề xuất trả lại, không đầu tư.
Trong tổng số vốn 172.568tỷ đồng đã thông báo cho các bộ, địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, đến nay đã có 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến bố trí từ Chương trình là 147.138 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiệu bố trí kế hoạch vốn.
168 dự án đã được thông báo vốn từ Chương trình là 25.430 tỷ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Thứ trưởng Phương cũng báo cáo, quá trình rà soát, hoàn thiện danh mục và mức vốn dự kiến, Chính phủ xin báo cáo một số thay đổi so với thời điểm báo cáo Quốc hội tháng 01/2022 .
Đối với lĩnh vực phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện gộp 64 dự án dự kiến ban đầu thành 14 dự án. Việc gộp dự án để giảm bớt đầu mối quản lý dự án, không chia nhỏ theo địa danh, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, không làm thay đổi mục tiêu, đối tượng, địa phương và mức vốn dự kiến theo lĩnh vực đầu tư đã được Quốc hội quyết định; giữa các dự án có một số sự điều chỉnh về mức vốn cho phù hợp nhưng vẫn bảo đảm trong phạm vi tổng số vốn và cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết định;
Đối với lĩnh vực y tế: danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án là danh mục đề xuất mới do tại thời điểm xây dựng danh mục báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 của Chính phủ mới chỉ xác định được các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, viện cấp trung ương cần đầu tư. Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, đánh giá kỹ thực trạng để đề xuất lại danh mục dự án, phù hợp với nhu cầu thực tế tại từng đơn vị và khả năng cân đối vốn.
Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì mức vốn tối đa đầu tư cho lĩnh vực y tế là 14.000 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi rà soát chỉ dự kiến đầu tư 13.198 tỷ đồng cho 144 dự án, số vốn còn dư 802 tỷ đồng Bộ Y tế không đề xuất sử dụng.
Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tên của 75 nhiệm vụ, điều chỉnh tổng mức đầu tư của 54 dự án và điều chỉnh mức vốn NSTW dự kiến bố trí từ Chương trình của 15 dự án dự án ; đề xuất không tiếp tục bố trí vốn từ Chương trình cho 8 dự án do đã được bố trí từ nguồn vốn khác; bổ sung 4 dự án và thay thế 4 dự án trong tổng số vốn đã dự kiến cho địa phương.
Theo Chính phù thì việc điều chỉnh tên, thay đổi mức vốn bố trí cho từng dự án để bảo đảm phù hợp địa danh, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, khả năng thực hiện dự án… nhưng không thay đổi mục tiêu, đối tượng đầu tư, mức vốn dự kiến cho từng bộ, địa phương so với phương án đã báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 của Chính phủ;
Số vốn còn lại chưa thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (3.432 tỷ đồng), Thứ trưởng trình bày dự kiến cho các nhiệm vụ: 2.500 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B, Lạng Sơn đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP, hiện đang trình cấp có thẩm quyền phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện.
932 tỷ đồngcòn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm do các bộ, cơ quan trung ương không đề xuất.
Đối với nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực y tế, văn hóa xã hội khác (bao gồm cả cải tạo cơ sở trại cai nghiện), theo báo cáo của các bộ và các địa phương thì nhu cầu là rất lớn nhưng sau khi rà soát lại các dự án chưa đáp ứng được nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, không có khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân theo quy định.
Do vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh số vốn còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm 932 tỷ đồng nêu trên sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để bổ sung và đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông, trong đó có 2 dự án đã được đầu tư từ Chương trình và 1 dự án mới bảo đảm tuân thủ quy định về đối tượng, mục tiêu của Chương trình.
Đối với nhu cầu đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa xã hội nêu trên, trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bố trí vốn cho các dự án này khi có nguồn vốn và bảo đảm công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, do các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phải được rà soát để bảo đảm tuân thủ các quy định về nguyên tắc, đối tượng, mục tiêu, cam kết cùng khả năng cân đối vốn của các địa phương, thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công nên đến nay sau hơn 7 tháng kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ mới tổng hợp được danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Để bảo đảm thống nhất về quản lý đầu tư công và sớm phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án để kịp triển khai, thực hiện, căn cứ Điều 60, Điều 67 và Điều 78 Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 176.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình.
Cho phép điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho 03 dự án thuộc ngành giao thông theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốntrước khi Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn và sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2022.
Cho ý kiến về 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn.
Đối với 169 dự án với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, làm cơ sở Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ vốn.
Chính phủ cũng kiến nghị ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022.
Để lại một phản hồi