Tham vọng dùng nước biển cứu hồ lớn nhất Israel

Biển hồ Galilee ở miền bắc Israel thực tế là một hồ nước ngọt, nơi duy trì sự sống cho khu vực suốt nhiều thiên niên kỷ. Ngày nay, hồ vẫn cung cấp nước cho các vườn nho, trang trại địa phương. Những địa điểm khảo cổ học, suối nước nóng và đường mòn đi bộ quanh biển hồ đã thu hút khách du lịch và mang lại sinh kế cho người dân địa phương.

Nhà máy nước khử muối lớn nhất thế giới tại Hadera, Israel. Ảnh: Luciano Santadreu

Nhà máy nước khử muối lớn nhất thế giới tại Hadera, Israel. Ảnh: Luciano Santadreu

Nhưng biển hồ Galilee đang đối mặt tương lai ảm đạm, khi khủng hoảng khí hậu gây ra biến động lớn về mực nước. Nước hồ bây giờ khá đầy, nhưng từng thấp kỷ lục 5 năm trước.

Biến đổi khí hậu và tình trạng quản lý nước không bền vững đang khiến ao hồ khắp Trung Đông và thế giới cạn kiệt. Nhưng chính phủ Israel hy vọng giải pháp bơm nước biển từ Địa Trung Hải, khử muối và cung cấp cho các ao hồ khi cần thiết sẽ giải quyết vấn đề.

Israel có nhiều kinh nghiệm khử muối biển. Là một quốc gia đối mặt nhiều bất ổn về an ninh thủy lợi, trong hơn 20 năm, Israel đã lấy nước từ Địa Trung Hải và xử lý bằng quá trình thẩm thấu ngược để khử muối, biến nước mặn thành nước ngọt. Đây là quy trình mà nhiều nơi trên thế giới, trong đó có bang California của Mỹ, từng sử dụng trong thời kỳ hạn hán, nhưng được Israel áp dụng hàng ngày.

5 nhà máy khử muối dọc bờ biển hiện cung cấp gần như tất cả nước máy cho 9,2 triệu cư dân Israel. Vấn đề là các nhà máy này hoạt động bằng khí đốt, loại nhiên liệu hóa thạch góp phần làm tăng khủng hoảng khí hậu và khiến thời tiết khắc nghiệt càng cực đoan hơn, những điều ảnh hưởng tới mực nước hồ. Tuy nhiên, theo thời gian, khi lưới điện chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh hơn, giải pháp của Israel có thể trở nên hấp dẫn hơn.

Dự án mới mà chính phủ đang thực hiện là xây dựng một đường ống dẫn nước có đường kính 1,6 mét, dài 31 km. Nước biển sau khi khử muối sẽ được bơm qua đường ống, cung cấp nước ngọt cho biển hồ Galilee.

Một phần của nhà máy Ashdod biến nước biển thành nước ngọt. Ảnh: CNN

Một phần của nhà máy Ashdod biến nước biển thành nước ngọt. Ảnh: CNN

Noam Ben Shoa, kỹ sư trưởng công ty cấp nước quốc gia Mekorot của Israel, cho rằng ý tưởng này thật kỳ lạ khi lần đầu nghe trình bày dự án. “Nhưng chẳng mấy chốc, chúng tôi hiểu ngay giá trị của nó với thị trường quốc gia”, ông nói tại công trường thi công đường ống.

Ông cho hay đường ống giúp mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, cũng như cải thiện quan hệ với nước láng giềng Jordan. Israel cam kết bán hàng triệu mét khối nước mỗi năm cho Jordan.

Năm 2021, hai nước ký thỏa thuận mới. Theo đó, Jordan sẽ nhận 200 triệu m3 nước khử muối mỗi năm từ Israel, tương đương 20% nhu cầu nước của quốc gia này. Đổi lại, Jordan sẽ cung cấp điện từ năng lượng mặt trời cho lưới điện của Israel. 600 nhà máy điện mặt trời ở Jordan sẽ được xây dựng.

Đường ống mới trị giá 264 triệu USD dự kiến đi vào hoạt động trong vài tháng tới, có thể vận chuyển 120 triệu m3 nước mỗi năm, nhưng chỉ bơm vào biển hồ Galilee khi cần thiết.

“Sự độc đáo của dự án này là nó đem lại tính linh hoạt vô hạn”, Ben Shoa nói. “Về cơ bản, chúng tôi có thể lấy nước ở bất kỳ đâu. Chỉ cần chuyển hướng và đưa nó tới nơi đang cần như khu dân cư, vùng nông nghiệp hay công nghiệp”.

Trải qua giai đoạn hạn hán 2013-2018, Israel đã thay đổi triệt để cách quản lý nước. Bất chấp lệnh cấm bơm nước từ biển hồ Galilee, mực nước ở đây vẫn xuống thấp kỷ lục. Khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã thúc đẩy cơ quan thủy lợi Israel phải can thiệp từ bây giờ.

“Họ đánh giá sự thay đổi khí hậu trong tương lai, điều gì sẽ xảy ra với lượng mưa trong khu vực, đồng thời cân nhắc tới dân số gia tăng và nhu cầu về nước”, Gideon Gal, nhà khoa học cấp cao, người đứng đầu phòng thí nghiệm đánh giá biển hồ Galilee, nói.

“Họ nhận ra sẽ cực kỳ khó khăn để duy trì mực nước hồ và chất lượng nước trong 30-40 năm tới nếu không hành động ngay”, Gal cho hay.

Biển hồ Galileee. Ảnh: CNN

Biển hồ Galilee. Ảnh: CNN

“Khi tiến hành các thử nghiệm trộn nước khử muối với nước tự nhiên, ta sẽ quan sát được tác động của hoạt động này với thế giới sinh vật”, Gal giải thích. “Chúng tôi có thể vô tình mang những sinh vật ngoại lai đến biển hồ Galilee”.

Nhưng tới nay, Gal cho biết thí nghiệm cho thấy loại nước mới không gây tác động lớn đến những loài hiện có tại hồ. Trên thực tế, nước khử muối còn giúp hồ chống lại tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giúp lưu lượng nước mạnh hơn, ngăn chặn vi khuẩn phát triển quá mức và hạ nhiệt độ nước.

Ông vẫn hy vọng biển hồ Galilee không cần tới bất kỳ sự can thiệp nhân tạo nào. “Bơm nước khử muối vào biển hồ Galilee sẽ có những rủi ro nhất định, nhưng đáng để làm khi xét tới nguy cơ biến đổi khí hậu và những điều có thể xảy ra với hồ trong tương lai”, Gal nói.

Hồng Hạnh (Theo CNN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*