Tham vọng hồi sinh điện hạt nhân của Nhật

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 24/8 cho biết đất nước ông sẽ khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân và xem xét khả năng phát triển lò phản ứng thế hệ mới. Quyết định của ông Kishida được cho là nhằm kiềm chế giá năng lượng tăng vọt của các hộ gia đình và hỗ trợ các nhà sản xuất công nghệ hạt nhân của Nhật.

“Do hậu quả của xung đột Ukraine, bức tranh năng lượng toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ”, Thủ tướng Kishida nói. “Chúng ta cần chuẩn bị trước mọi biện pháp có thể để giảm thiểu tác động của bất kỳ biến động toàn cầu nào đối với cuộc sống của người dân”.

Ông Kishida nói thêm chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đưa ra các kế hoạch cụ thể cho lĩnh vực hạt nhân vào cuối năm nay.

“Điều vô cùng quan trọng là phải đảm bảo tất cả các lựa chọn để tái thiết nguồn cung năng lượng ổn định cho đất nước. Chúng ta sẽ xem xét tất cả các lựa chọn liên quan tới năng lượng hạt nhân”, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho hay.

Động thái này được xem là một bước ngoặt đối với chính sách năng lượng của Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, khi một trận động đất và sóng thần tàn phá nhà máy Fukushima Daiichi, khiến lò phản ứng tan chảy phát tán phóng xạ ra môi trường xung quanh. Một số khu vực xung quanh nhà máy tới nay vẫn chưa thể sinh sống được.

Hầu hết nhà máy hạt nhân của Nhật Bản không còn hoạt động kể từ đó, nhưng mọi thứ dường như đang thay đổi. Đầu tháng này, một giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) cho biết mức độ ủng hộ của công chúng Nhật Bản đối với việc khởi động lại điện hạt nhân là hơn 60%.

Các bể chứa nước thải đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima vào tháng 3/2021. Ảnh: Reuters.

Các bể chứa nước thải đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima vào tháng 3/2021. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Theo Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 6 của Nhật Bản, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 36-38% lượng điện sản xuất vào năm 2030, trong đó điện hạt nhân chiếm 20-22%.

“Đây là bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa chính sách năng lượng của Nhật Bản”, Jun Arima, giáo sư tại trường chính sách công của Đại học Tokyo, nói.

Ông Arima thêm rằng Nhật Bản cần năng lượng hạt nhân vì lưới điện nước này không được kết nối với các nước láng giềng, cũng như không thể thúc đẩy sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước.

Tháng trước, chính phủ Nhật Bản cho biết họ hy vọng sẽ khởi động lại nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn để kịp thời ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng điện nào trong mùa đông tới.

Trước Fukushima, 1/3 lượng điện của Nhật Bản đến từ các nhà máy hạt nhân. Nhưng 20 lò phản ứng đã dừng hoạt động kể từ đó, phần lớn là do chi phí đảm bảo các biện pháp an toàn quá cao.

Trong số 33 lò phản ứng còn lại, 25 lò đã được Cơ quan An toàn Hạt nhân kiểm tra. 17 lò đã được phê duyệt cho đến nay, nhưng chỉ có 10 lò khởi động lại sau khi nhận được chấp thuận từ cộng đồng địa phương. Tính tới cuối tháng 7, Nhật Bản có 7 lò phản ứng hoạt động và 3 lò khác đang bảo trì.

Nhật Bản phần lớn phải nhập khẩu năng lượng, nên bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả leo thang. Nước này nhập khoảng 9% khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga.

“Bây giờ là thời điểm hoàn hảo để làm điều này”, Tom O’Sullivan, thành viên công ty tư vấn năng lượng Mathyos, nói về kế hoạch quay lại điện hạt nhân của Tokyo. “Nhật Bản đã phải trả nhiều tiền điện hơn hầu hết các quốc gia khác trong nhóm G7, vì vậy khả năng cạnh tranh công nghiệp cũng là một vấn đề”.

Việc khởi động lại các nhà máy hạt nhân đã là một trọng tâm vận động hành lang của ngày càng nhiều công ty Nhật Bản trong năm nay, do lo ngại về nguy cơ mất điện ở Tokyo và xung đột Ukraine.

“Có cảm giác rằng thời gian đã trôi qua đủ lâu và công chúng sẽ lo lắng về nguồn cung năng lượng hơn là rủi ro hạt nhân”, một người thân cận với đơn vị hoạch định chính sách của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền cho hay.

Frank Ling, nhà khoa học trưởng tại Viện Anthropocene, nhận định tình hình địa chính trị đã làm tăng tính cấp thiết của nhu cầu phát triển các lò hạt nhân mới và an toàn của Nhật. Ông Ling cho biết Thủ tướng Kishida có thể nhắm tới mục tiêu mở rộng khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong việc bán công nghệ hạt nhân, đặc biệt ở Đông Nam Á, nơi có nhu cầu phát triển năng lượng lớn.

Tuy nhiên, tham vọng phục hưng ngành năng lượng hạt nhân của Nhật Bản có thể vấp nhiều thách thức. Một số chuyên gia năng lượng phản đối kế hoạch, khi cho rằng thế hệ lò phản ứng tiếp theo, như lò phản ứng mô-đun nhỏ, tốn kém và tạo thêm gánh nặng tài chính cho các nhà khai thác.

Toyoshi Fuketa, ủy viên Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản, cho rằng các tiêu chuẩn an toàn của cơ quan ông không bị ảnh hưởng bởi chính sách năng lượng hạt nhân của chính phủ. Ông cho biết Nhật Bản chưa có những tiêu chuẩn an toàn cho các lò phản ứng thế hệ mới và sẽ cần hơn một năm để thiết lập, trong khi vấn đề an toàn của các lò phản ứng xây dựng lâu năm cần có quá trình đánh giá riêng một cách cẩn thận.

Các nhà phê bình nói rằng chi phí thực sự của năng lượng hạt nhân sẽ cao hơn nhiều nếu tính cả số tiền bỏ ra để quản lý và lưu trữ chất thải phóng xạ. Họ thêm rằng nó cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm lâu dài cho môi trường nếu xảy ra một sự cố khác giống như Fukushima.

Tổ chức môi trường Greenpeace đồng tình với quan điểm này. “Điện hạt nhân được quảng bá là một giải pháp cho các vấn đề về năng lượng, nhưng thực tế là xây dựng nó rất phức tạp và tốn kém. Nó cũng tạo ra lượng lớn chất thải nguy hiểm”, Greenpeace cho hay.

Thanh Tâm (Theo Washington Post, FT, Reuters, ABC News)

  • Nhật hướng tới điện hạt nhân đối phó khủng hoảng năng lượng
  • Dân Fukushima về làng sau thảm họa hạt nhân
  • Tranh cãi về nước thải nhà máy hạt nhân Fukushima

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*