Thụy Điển ủng hộ vai trò của vũ khí hạt nhân trong NATO

Đài truyền hình Thụy ĐiểnSVT ngày 11/7 công bố nội dung đầy đủ thư yêu cầu gia nhập NATO mà chính phủ nước này gửi đến Tổng thư ký Jens Stoltenberg hôm 5/7. Trong thư, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde xác nhận quốc gia Bắc Âu quan tâm đến lời mời tham gia NATO.

“Thụy Điển chấp nhận cách tiếp cận của NATO đối với an ninh và quốc phòng, trong đó có vai trò thiết yếu của vũ khí hạt nhân”, thư có đoạn. “Thụy Điển sẽ tham gia đầy đủ vào cấu trúc quân sự và quy trình lập kế hoạch phòng thủ tập thể của NATO, đồng thời sẵn sàng cung cấp lực lượng, năng lực quân sự cho toàn bộ các nhiệm vụ của liên minh”.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, thủ đô Bỉ, ngày 5/7. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, thủ đô Bỉ, ngày 5/7. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, quan điểm này khiến nhiều người dân Thụy Điển lo ngại về nguy cơ mâu thuẫn giữa việc gia nhập NATO và truyền thống giải trừ vũ khí hạt nhân của đất nước.

“Nói cách khác, Thụy Điển hiện sẵn sàng tham gia sử dụng vũ khí hạt nhân”, Beatrice Fihn, Giám đốc Điều hành Chiến dịch Quốc tế về Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017, viết trên Twitter.

Gần đây nhất, Thụy Điện đã khởi động Sáng kiến Stockholm về Giải trừ Vũ khí Hạt nhân năm 2019, trong đó 16 quốc gia phi hạt nhân nỗ lực tìm biện pháp giảm bớt vai trò của loại vũ khí này “trong các học thuyết và chính sách an ninh”.

Căng thẳng giữa Nga và NATO cũng như khu vực Baltic gần đây leo thang sau khi Thụy Điển cùng Phần Lan xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Nếu NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, Nga sẽ trở thành nước duy nhất ven biển Baltic không phải thành viên của liên minh. Nước đầu tiên phê duyệt hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO là Canada.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi cuối tháng trước cảnh báo Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO sẽ khiến quy chế phi hạt nhân ở khu vực Baltic “trở thành dĩ vãng” và Moskva sẽ phải tăng cường năng lực răn đe ở miền bắc đất nước, trong đó có phương án triển khai vũ khí hạt nhân tới khu vực.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/7 nói rằng Bộ Quốc phòng Nga đang chuẩn bị các kế hoạch để đảm bảo an ninh quốc gia, liên quan việc hai nước Bắc Âu xin gia nhập NATO.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

Đức Trung (Theo Local Sweden, SVT)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*