Ukraine nói Nga ngắt nhà máy Zaporizhzhia khỏi lưới điện quốc gia

“Hành động của những kẻ chiếm đóng đã khiến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị ngắt hoàn toàn khỏi lưới điện, lần đầu tiên trong lịch sử nhà máy”, Energoatom hôm nay thông báo trên Telegram.

Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.

Energoatom cho biết nhà máy bị ngắt kết nối với lưới điện quốc gia sau khi một đường dây điện bị ngắt hai lần do hỏa lực nhằm vào nhà máy nhiệt điện gần đó. Ba đường dây điện khác “bị hư hại trước đó trong các cuộc tấn công khủng bố” của lực lượng Nga, công ty nêu thêm.

Kết quả là hai trong số 6 lò phản ứng của nhà máy “đã bị ngắt kết nối”. “Các hoạt động khởi động đang được tiến hành để kết nối một trong các lò phản ứng với lưới điện”, Energoatom nhấn mạnh.

Nga hiện chưa bình luận về thông tin này.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Nga ngày 8/3. Ảnh: RIA Novosti.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày 8/3. Ảnh: RIA Novosti.

Giới chức Ukraine trước đó nói rằng Moskva sẽ ngắt nhà máy khỏi lưới điện quốc gia của nước này để chuyển nguồn điện sang bán đảo Crimea. Energoatom chưa bình luận liệu nguồn điện đã bị chuyển hướng hay chưa.

Giao tranh gần đây xảy ra quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, làm dấy lên lo ngại nguy cơ sự cố hạt nhân có thể so sánh với thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.

Trong chuyến thăm cảng Odessa ngày 19/8, khi được hỏi về thông tin Nga có thể cắt nguồn cung từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khỏi lưới điện Ukraine và chuyển hướng sang bán đảo Crimea, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề nghị phi quân sự hóa cơ sở này. “Điện từ Zaporizhzhia rõ ràng là của Ukraine và đặc biệt cần thiết đối với dân Ukraine trong mùa đông. Nguyên tắc này phải được tôn trọng đầy đủ”, ông Guterres kêu gọi.

Nga sau đó bác đề xuất của Tổng thư ký LHQ về phi quân sự hoá, nói ý kiến này “không thể chấp nhận được”.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*