Chủ tịch Fed Chicago: ‘Tôi quan ngại Fed tăng lãi suất quá mạnh, quá nhanh’

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Chicago Charles Evans thừa nhận rủi ro Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá nhanh trong cuộc chiến chống lạm phát, qua đó gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế số một thế giới.

Chia sẻ trong chuyên mục “Squawk Box Europe” của CNBC trong ngày 27/9, ông cho biết bản thân mang quan điểm “lạc quan thận trọng” đối với khả năng kinh tế Mỹ tránh được một cuộc suy thoái trong trường hợp các cú sốc từ thị trường quốc tế không xuất hiện thêm trong thời gian tới.

Khi được hỏi việc nhà đầu tư lo lắng Fed không đủ “kiên nhẫn” để đánh giá đầy đủ những tác động từ quá trình tăng lãi suất tới nền kinh tế, ông trả lời: “Đúng. Tôi có phần lo ngại về điều này”.

“Các quyết định chính sách tiền tệ thường có độ trễ nhất định. Chúng tôi đã có ba lần tăng lãi suất 0,75% liên tiếp và dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên khoảng 4-4,25% vào cuối năm nay. Trước lạm phát cao nhất nhiều năm, rõ ràng là Fed không có đủ thời gian để phân tích toàn bộ các dữ liệu kinh tế mỗi tháng”, Evans chia sẻ.

Tính từ đầu năm nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 5 lần với tổng mức tăng 3%, trong đó có 3 lần tăng 0,75% liên tiếp.

Chủ tịch Fed Chicago: Tôi quan ngại Fed tăng lãi suất quá mạnh, quá nhanh - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans. Ảnh: BusinessInsider.

Trước đó, một số quan chức Fed khác lên tiếng khẳng định mục tiêu số một của Ngân hàng trung ương Mỹ là kiểm soát lạm phát, hiện ở ngưỡng cao nhất bốn thập kỷ, đồng thời ủng hộ lộ trình tăng lãi suất hiện tại của cơ quan này.

Susan Collins, tân Chủ tịch Fed Boston, đồng tình với những dự báo của Fed sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang khi tăng lãi suất lên 4,6% trong năm sau.

Để đánh bại lạm phát, Fed cần “kéo giảm tăng trưởng thị trường lao động, hay nói cách khác là kéo tăng tỷ lệ thất nghiệp”, bà Collins phát biểu tại Phòng Thương mại Greater Boston.

Cũng trong ngày 26/9, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho biết lãi suất ngắn hạn cần được duy trì ở ngưỡng cao trong một khoảng thời gian dài hơn so với dự báo dù nền kinh tế đang phải đối mặt với một loạt các khó khăn như cuộc xung đột Nga-Ukraine và tính trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Từ FED tới cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Âu: Đâu là nguyên nhân đằng sau cú bán tháo trên thị trường tài chính?

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*